Ukraine không tin cuộc xung đột ở Donbass sẽ 'đóng cửa con đường' vào NATO
Mới đây, vấn đề Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục được Phó thủ tướng Ukraine nhắc đến trong khi nói về cuộc xung đột ở Donbass.
Tờ Ukrainska Pravda đưa tin, Phó thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu và Châu Âu-Đại Tây Dương, bà Olga Stefanishina tin tưởng rằng cuộc xung đột ở Donbass sẽ không trở thành trở ngại cho việc Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ukraine không tin cuộc xung đột ở Donbass sẽ 'đóng cửa con đường' vào NATO. (Ảnh: Reuters) |
Bà Stefanishina lưu ý hiện có những quốc gia trong NATO vẫn còn những vấn đề về lãnh thổ chưa được giải quyết.
“Hãy nhìn nhận nó một cách thực tế. Có nhiều quốc gia có xung đột lãnh thổ giữa các thành viên NATO. Thậm chí, có những quốc gia trong liên minh đang có những vấn đề về lãnh thổ gây tranh cãi”, bà Stefanishina nhận định.
Theo bà Stefanishina, hiện nay Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như Tây Ban Nha và Anh đang là những quốc gia có tranh chấp về lãnh thổ.
“Những ví dụ như vậy sẽ bác bỏ luận điểm rằng chừng nào xung đột ở Donbass vẫn tiếp diễn, Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO”, bà Stefanishina giải thích.
Mới đây, cũng theo Phó thủ tướng Ukraine phụ trách hội nhập châu Âu và Châu Âu-Đại Tây Dương, Ukraine sẵn sàng trở thành đối tác chính của NATO ở Biển Đen trong khuôn khổ quy chế Đối tác Cơ hội Nâng cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
“Chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường các nỗ lực chung nhằm đảm bảo an ninh ở khu vực Biển Đen, cũng như hợp tác chặt chẽ với nhau để vượt qua các mối đe dọa”, bà Stefanishina cho biết.
Ukraine đã trở thành quốc gia thứ 6 nhận được quy chế Đối tác Cơ hội Nâng cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trước đó, quy chế này được trao cho Australia, Phần Lan, Gruzia, Jordan và Thụy Điển. Quy chế Đối tác Cơ hội Nâng cao được đưa vào NATO năm 2014 để xây dựng quan hệ song phương sâu sắc hơn, chuyên biệt hơn.
Vào cuối tháng 8, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky nói rằng, cơ hội giải quyết thành công cuộc xung đột tại Donbass sẽ tăng lên sau hội nghị Normandy tiếp theo.
“Kể từ hội nghị Normandy lần trước, được tổ chức hồi tháng 12/2019 tại Paris, các bên liên quan đã đạt được một số tiến độ nhất định. Mọi thứ đang có dấu hiệu tiến triển tốt, tuy nhiên, nó không nhanh như tôi dự đoán”, ông Zelensky nói.
Được biết, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ Normandy sắp tới sẽ diễn ra vào cuối tháng 9/2020. Định dạng Normandy do Nga, Đức, Pháp và Ukraine tạo ra nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột đang diễn ra ở miền Đông Ukraine. Cuộc họp cuối cùng theo định dạng này diễn ra hôm 9/12/2019.
Trước đó, các chuyên gia của tờ Defense Priorities cho rằng, Mỹ nên từ bỏ sự ủng hộ việc Ukraine gia nhập NATO, vì nhiều lý do Kiev khó có thể trở thành thành viên của tổ chức này.
Cụ thể, việc từ bỏ “giấc mơ” trở thành thành viên của NATO sẽ buộc Kiev phải tập trung vào các vấn đề chính sách đối ngoại khác thực tế hơn, chẳng hạn như việc giảm căng thẳng với Nga cũng như các vấn đề nội bộ khác.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nhiệm vụ của Kiev là tìm ra sự cân bằng giữa phương Đông (Nga) và phương Tây (châu Âu). Đồng thời, Ukraine cần lựa chọn giữa việc ngả sang NATO và Liên minh châu Âu, hay quyết định quay trở lại quỹ đạo của Moscow.
Đồng thời, các dữ liệu xã hội học cho thấy, có chưa đến một nửa (44%) số người Ukraine được hỏi ủng hộ việc gia nhập NATO và 25% ủng hộ việc các thành viên liên minh cho phép đóng quân tại Ukraine.
Ukraine vẫn kiếm được hàng tỉ USD từ khí đốt của Nga
TASS dẫn lời của Người đứng đầu tập đoàn dầu khí Naftogaz của Ukraine, ông Andrei Kobolyev cho hay, Ukraine sẽ nhận được khoảng 2 tỉ USD cho các dịch vụ vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ của Ukraine vào năm 2020.
Thanh Bình (lược dịch)