Tuyên truyền bảo vệ trẻ em trước vấn đề tảo hôn, mua bán người trên không gian số
Trong 2 ngày 22- 23/11, tại Quảng Bình, Quảng Trị diễn ra hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường phối hợp để phòng chống tảo hôn, phòng chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số”.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của dự án “Tăng cường nhận thức của thanh thiếu niên dân tộc thiểu số về việc mua bán người và tảo hôn thông qua công nghệ số - Em Vui”.
Dự án Em Vui được Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) và tổ chức Plan International Việt Nam triển khai thực hiện với sự đồng tài trợ của Liên minh châu Âu và tổ chức Plan International Bỉ.
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu gồm các ban ngành cấp tỉnh, huyện như: Sở Giáo dục, Ban dân tộc, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, Sở Tư pháp, công an, bộ đội biên phòng, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… cùng các cán bộ thôn, bản và 25 xã của hai tỉnh được thụ hưởng dự án. Cụ thể, đã có 120 đại biểu tham dự tại tỉnh Quảng Trị và 100 đại biểu tham dự tại Quảng Bình.
Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 03/08/2022, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi.
Một báo cáo của tổ chức quốc tế (NCMEC) năm 2021 cho thấy Việt Nam cũng là một trong những nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) có nhiều báo cáo nhất về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro, phổ biến như: Tiếp cận với những nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm,…) làm lệch lạch suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; Bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; Bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; Trẻ sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng "nghiện" Internet; Trẻ đối diện với nguy cơ lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, dọa nạt, tống tiền, ép tham gia các hoạt động phi pháp, thậm chí mại dâm, bị xâm hại tình dục, nạn nhân mua bán người…
Do đó, hội thảo được tổ chức là cơ hội để các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức cùng phối hợp, trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình hay trong việc truyền thông hiệu quả liên quan đến vấn đề phòng chống tảo hôn và phòng chống mua bán người.
Đồng thời ban tổ chức cũng kỳ vọng thông qua hội thảo sẽ thúc đẩy sự tham gia, hành động của chính quyền các cấp trong việc chung tay hành động chấm dứt tình trạng tảo hôn và phòng chống mua bán người cho thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, trong đó, nhấn mạnh vai trò và sự tham gia hành động của các trưởng thôn, bản.
Ngoài ra, thông qua hội thảo dự án khuyến khích các cán bộ địa phương, các thầy cô giáo nhà trường…cùng sử dụng và lan tỏa những sản phẩm giáo dục truyền thông trên nền tảng Em Vui trong các hoạt động, chương trình truyền thông, can thiệp tại các địa phương.
Với mỗi chủ đề về phòng chống tảo hôn hay phòng chống mua bán người, Ban quản lý dự án Em Vui và đại biểu tham gia hội thảo cùng thảo luận về các khía cạnh khác nhau như về thực trạng, yếu tố làm gia tăng tình trạng, khung luật pháp và chính sách, chia sẻ cách thức truyền thông hiệu quả về phòng chống hai vấn đề nói trên và giới thiệu các sản phẩm truyền thông của Em Vui (Phim hoạt hình, video an toàn mạng, bài học thư viện, bộ câu hỏi đố vui…) với các đại biểu tham gia hội thảo.
TS. Khuất Thu Hồng, Giám đốc dự án Em Vui, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, dự án khuyến khích cán bộ các cấp cùng sử dụng những sản phẩm và lan tỏa những thông điệp của dự án Em Vui tới thanh thiếu niên dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức cho các em và giúp các em lớn lên một cách mạnh khỏe và an toàn, phòng tránh tảo hôn và mua bán người.
Theo kế hoạch triển khai hoạt động trong thời gian tới, dự án Em Vui tiếp tục thiết kế, xây dựng các sản phẩm giáo dục truyền thông và đăng tải trên nền tảng Em Vui thường xuyên, liên tục.
Với hy vọng nền tảng Em Vui không chỉ là không gian số thân thiện và hiệu quả, nơi thanh thiếu niên tìm hiểu kiến thức, kỹ năng mà còn là công cụ đắc lực, hỗ trợ các cán bộ địa phương trong công tác truyền thông, bà Hồng cho biết, các hoạt động kết nối, huy động sự tham gia của các cán bộ thuộc chính quyền địa phương các cấp cũng sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện trong thời gian tới.
N. Huyền