Tuyên Quang tuyên truyền, vận động người nghèo, DTTS tham gia bảo hiểm y tế
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tuyên Quang, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 27,81% đầu năm 2016 xuống còn 19,32% cuối năm 2017, ước thực hiện năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,83%. Trong 3 năm (2016-2018) tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 11,98%, bình quân giảm 3,99%/năm, đạt 74,88% tiến độ kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện nghèo (huyện Lâm Bình) ước giảm 21,45% (giảm từ 60,79% đầu năm 2016 xuống còn 39,34% cuối năm 2018), bình quân giảm 7,15%/năm đạt vượt kế hoạch đề ra.
Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo với việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng công cộng, công trình giao thông nông thôn, trạm y tế, trường học.
Đặc biệt, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện và hỗ trợ cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Năm 2018, được Trung ương giao kế hoạch vốn, tỉnh đã phân bổ để huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016 -2018 đã thực hiện đầu tư xây dựng 521 công trình cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu và thôn, bản đặc biệt khó khăn và duy tu bảo dưỡng 97 công trình cơ sở hạ tầng đã được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135, trong đó tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, công trình điện, chợ và công trình khác.
Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn. Trong đó, đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 18 mô hình trình diễn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất và hỗ trợ xây dựng chuồng trạo chăn nuôi cho trên 3.000 hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu và thôn bản đặc biệt khó khăn.
Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn, trong đó đã thực hiện tổ chức tập huấn 92 lớp cho trên 4.500 cán bộ cơ sở và người dân, cộng đồng ở các xã, thôn bản thuộc chương trình 135 và hỗ trợ tổ chức 4 đợt cho các thành viên Ban chỉ đạo Chương trình 135 cấp tỉnh, huyện đi học tập kinh nghiệm quản lý, thực hiện Chương trình 135 tại các tỉnh bạn.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân nhân tham gia bảo hiểm y tế, duy trì thực hiện hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo từ nguồn ngân sách tỉnh và hỗ trợ từ Dự án Hỗ trợ y tế các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng, đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế lên 97,8% .
Tỉnh cũng tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế ở tất cả các tuyến, đặc biệt là cơ sở y tế cấp xã, gắn với thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế xã và xây dựng nông thôn mới, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số và các chính sách y tế khác cho người người, cận nghèo.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, nhà ở cũng được Tỉnh ban hành nhiều chính sách như, hỗ trợ học sinh con hộ nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh tại những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Đầu tư cơ sở vật chất trường lớp tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, đảm bảo 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân.