Tướng Mỹ tiết lộ ba công nghệ chính của các cuộc chiến tranh tương lai
Ba công nghệ chủ chốt khi được kết hợp khéo léo có thể mang lại lợi thế lớn trong một cuộc xung đột quân sự. Đó là trí tuệ nhân tạo, hệ thống không người lái và người máy.
Nhận định trên được người đứng đầu Bộ Tư lệnh Quân đội Tương lai - Tướng John Murray nói trong một cuộc phỏng vấn với Defense News.
Tướng Mỹ tiết lộ ba công nghệ chính của các cuộc chiến tranh tương lai. (Ảnh: iStock) |
“Để làm cho cả ba công nghệ hoạt động trong môi trường kỹ thuật số cần phải có một mạng lưới dữ liệu hiện đại và mạnh mẽ”, ông Murray cho biết.
Các nguyên tắc được trình bày trong một khái niệm chiến tranh mới được gọi là “Hoạt động đa miền” (MDO). Các giai đoạn quan trọng của khái niệm này là vô hiệu hóa các hệ thống tầm xa của đối phương, gây nhiễu các hệ thống ngăn chặn tiếp cận lãnh thổ, phá hủy các hệ thống tầm ngắn và tầm xa, cũng như đạt được quyền tự do cơ động để đánh bại các mục tiêu và lực lượng của đối phương.
Một trong những nguyên tắc chính để đạt được tất cả các giai đoạn này là sự hội tụ, khả năng gắn kết các lực lượng trong cả năm lĩnh vực tác chiến: trên không, trên bộ, trên biển, không gian và môi trường kỹ thuật số. Đã có một dự án có tên tương tự nhằm mục đích đào tạo quân đội các khả năng và công nghệ sẽ được áp dụng trong các chiến dịch quân sự những năm 2030 và hơn thế nữa.
Theo Defense News, đặc biệt, Quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống “Firestorm” trong các cuộc tập trận, nó là một “bộ não” kết nối các cảm biến trên chiến trường với người bắn thông qua một lệnh và điều khiển thích hợp. Hệ thống “Titan” cũng đang được thử nghiệm, hệ thống này sẽ xử lý thông tin về các mục tiêu bằng trí tuệ nhân tạo. Các thử nghiệm đang được tiến hành để khám phá khả năng của các tàu thăm dò không gian và kết hợp dữ liệu nhận được bằng cách sử dụng cấu trúc mạng mới.
“Mục tiêu cho năm 2022 là thu hút các đối tác Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia dự án. Hiện nay Anh đã đồng ý và Australia có khả năng đồng ý”, Tướng Murray nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy hôm 10/1 cho biết, 2 đơn vị “Hoạt động đa miền” (MDO) sẽ được thành lập trong năm tài khóa 2021 - 2022, sẽ tập trung vào các lĩnh vực tình báo, thông tin, mạng Internet, chiến tranh điện tử và không gian, được biết đến trong quân đội với tên gọi “I2CEWS”.
Đồng thời, theo một quan chức quân sự hàng đầu của Washington, quân đội Mỹ sẽ thành lập các lực lượng đặc nhiệm tập trung vào chiến tranh mạng và các lĩnh vực phi thông thường khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong hai năm tới, như một phần nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm đối phó với các hoạt động quân sự của Trung Quốc và tăng cường liên kết với các đối tác khu vực.
Nga và Mỹ có thể chạy đua vũ trang như thời Chiến tranh Lạnh?
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với RIA, ông Yuri Nazarkin, trưởng phái đoàn Liên Xô tại cuộc đàm phán với Mỹ về hiệp ước START-1 đã đưa ra dự đoán về tình hình liên quan đến việc gia hạn hiệp ước START-3.
Thanh Bình (lược dịch)