Tương lai hội nhập kinh tế của khối ASEAN
Theo ASEAN Post, hợp tác kinh tế được xem là nền tảng phát triển của khối ASEAN. GDP của ASEAN đã tăng hơn gấp đôi từ 1,3 ngàn tỷ USD vào năm 207 lên 2,8 ngàn tỷ USD vào năm 2017. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và có tham vọng vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2050.
Tăng trưởng GDP hàng năm của các quốc gia thành viên ASEAN. |
Trong đó, việc thành lập và triển khai Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 là một sáng kiến vô cùng quan trọng đưa 10 quốc gia thành viên trở thành một nền kinh tế duy nhất cùng nền tảng sản xuất với hàng loạt hoạt động đầu tư, dịch vụ, luân chuyển hàng hóa tự do, lao động có tay nghề cùng dòng vốn xoay chuyển. AEC được kỳ vọng sẽ mở rộng thành Kế hoạch Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 nhằm tăng sức cạnh tranh với các khối kinh tế khác trên toàn cầu.
Lợi ích của việc hội nhập kinh tế trong ASEAN được chứng minh thông qua GDP của các nước thành viên không ngừng gia tăng. Thông qua việc triển khai Kế hoạch Kinh tế ASEAN 2025, Lộ trình Cơ chế tự chứng nhận của ASEAN cũng đã ra đời. Theo lộ trình của ASEAN, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa dự kiến sẽ được áp dụng song song với hệ thống thông thường như hiện nay. Nói cách khác, các nhà xuất khẩu trong ASEAN có thể tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để từ đó cắt giảm chi phí giao dịch.
Ngoài ra, quá trình phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực cũng đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng GDP của ASEAN.
Theo bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cơ sở hạ tầng ASEAN cần số vốn đầu tư là 3,4 ngàn tỷ USD giai đoạn 2013 - 2030. Việc duy trì một hệ thống cơ sở hạ tầng tin cậy và bền vững là vô cùng quan trọng đối với các nền kinh tế nhằm tạo ra công ăn việc làm và duy trì sự ổn định về lâu dài. Song không thể phủ nhận, hoạt động chi tiêu phát triển ở Đông Nam Á hiện còn tụt xa so với mục tiêu toàn cầu đặt ra vào năm 2030.
Còn theo bà Nena Stoiljkovic, Phó Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Tài chính quốc tế phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) như Nhóm Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đang tăng cường những nỗ lực trang bị các quỹ tư nhân thông qua nhiều gói tài chính, phương án giảm thiểu rủi ro cũng như tạo ra thêm nhiều thị trường và tạo điều kiện để các lực lượng thị trường hoạt động đúng hướng.