Tưởng đau bụng thông thường không ngờ mắc bệnh rất hiếm gặp, tỷ lệ tử vong cao
Đau bụng vùng quanh rốn trước khi nhập viện 3 ngày, bà C. được phát hiện vừa mắc bệnh u Lympho vừa mang nhóm máu Rh hiếm gặp.
Vừa mang nhóm máu hiếm lại mắc bệnh hiếm
Khoa Phẫu trị- Xạ trị và Y học hạt nhân – Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u ruột non kích thước 4x3x3cm cho bệnh nhân.
Điều đáng nói là khối u này đã gây biến chứng lồng ruột, trong khi bệnh nhân lại mang nhóm máu Rh rất hiếm gặp.
Vì vậy để tiến hành phẫu thuật cho người bệnh kíp phẫu thuật phải chuẩn bị kĩ lưỡng và dự trù rất nhiều phương án có thể xảy ra trước khi tiến hành phẫu thuật cho người bệnh.
Người bệnh là Nguyễn Thị C. 65 tuổi trú tại Sơn Động – Bắc Giang. Theo người bệnh, khoảng 3 ngày trước khi vào viện người bệnh xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn kèm theo đó là ăn uống kém, gầy yếu sút cân, đôi khi có cảm giác buồn nôn.
Người bệnh có khi khám, siêu âm tại 1 phòng khám tư và được phát hiện có hình ảnh u đại tràng. Người bệnh đã tới viện để kiểm tra lại và được chỉ định nhập viện để điều trị.
Theo BsCKI. Trịnh Công Định cho biết, người lớn các khối u ở ruột non thường sẽ gây lồng ruột và hầu hết là ung thư. Do đó bắt buộc phải phẫu thuật để cắt bỏ khối u và làm xét nghiệm mô bệnh học để có hướng điều trị kết hợp với các phương pháp khác cho người bệnh.
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, dự trù nguồn máu bởi người bệnh có nhóm máu hiếm gặp… Khi tiến hành phẫu thuật cho người bệnh các bác sĩ phát hiện người bệnh có khối lồng manh tràng kích thước 6x5x5xcm khối lồng rất chặt, quai ruột giãn.
Khi tiến hành tháo khối lồng cho người bệnh các bác sĩ phát hiện khối u kích thước 4x3x3cm kèm theo đó là có vài hạch mạc treo. Sau 2 giờ, ca phẫu thuật diễn ra thành công, các bác sĩ đã tiến hành cắt đoạn hồi manh tràng, ruột thừa cùng khối u để tiến hành làm xét nghiệm mô bệnh học.
Hiện tại sức khỏe người bệnh ổn định, đã ăn uống bình thường, người bệnh đã tăng cân so với trước khi phẫu thuật. Khối u của người bệnh được làm xét nghiệm, kết quả là khối u Lympho tế bào B lớn lan toả tại ruột. Đây là bệnh lý rất hiếm gặp, với kết quả này bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị hoá chất sau mổ.
Khối u gây biến chứng lồng ruột của bệnh nhân (Ảnh BVCC) |
Bệnh có tỷ lệ tử vong cao
Theo Ths.Bs Nguyễn Hữu Kỳ Phương –Trưởng khoa Tiêu Hóa, bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long, u Lympho ruột non tiên phát ác tính là các tổn thương khu trú chủ yếu ở ruột non và ngay từ đầu không có tổn thương hạch ngoại biên.
Đây là 1 bệnh lý nguy hiểm và hiếm gặp, các triệu chứng lâm sàng khởi phát liên quan đến tổn thương ở ống tiêu hoá.
Trong số các u Lympho ác tính nguyên phát ở ruột non, người ta chia ra 2 loại: u Lympho phương Tây và u Lympho Địa Trung Hải.
U Lympho ruột non nguyên phát thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là 15 và 40 tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ.
Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn biết rõ, có một số yếu tố được xem là nguy cơ như: bệnh Crohn, bệnh phì đại lan toả u Lympho ở ruột non, do giảm gammaglobulin máu, hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải; sau điều trị xạ trị liệu, hoá trị liệu, thuốc ức chế miễn dịch hoặc xuất hiện sau các bệnh như: bệnh đại tiện phân mỡ; phì đại lympho dạng nốt và hội chứng ức chế miễn dịch.
Vẫn theo Bs. Nguyễn Hữu Kỳ Phương vì bệnh lý ở ruột non nên chẩn đoán khó và muộn, thời gian trung bình để chẩn đoán ra bệnh là 6 tháng. Các biểu hiện lâm sàng chính là: đau bụng, gầy sút, nôn và buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, có thể có các biểu hiện của lồng ruột hoặc tắc ruột, trong đó đau bụng là triệu chứng chính rất thường gặp, thường là đau thất thường và diễn tiến mạn tính. Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ hạt nhân.
“Đây là bệnh lý hiếm gặp, ít biểu hiện lâm sàng làm cho bệnh nhân và bác sĩ rất dễ chủ quan, nhầm tưởng sang bệnh lý khác, chẩn đoán thường khó khăn, khi được chẩn đoán thường đã ở giai đoạn muộn, do đó tiên lượng nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.
Vì vậy, mỗi bệnh nhân cần theo dõi quan tâm đến sức khỏe của mình, định kỳ 6 tháng đến 1 năm khám sức khỏe một lần để có thể phát hiện sớm bệnh lý, điều trị kịp thời, hạn chế hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, Bs. Kỳ Phương khuyến cáo.
H. Anh