Tuồn pháo nổ trái phép vào bán cho người tiêu dùng dịp Tết
Mới đây nhất, đồn biên phòng Tây Ninh phối hợp cùng với lực lượng công an tỉnh bắt giữ 3 đối tượng mua bán vận chuyển trái phép pháo nổ.
Các đối tượng sử dụng xe ô tô và xe gắn máy để vận chuyển pháo nổ.
Những người bị bắt giữ đều là người được các đối tượng khác thuê vận chuyển pháo nổ qua biên giới với chi phí từ 200 đến 250 nghìn đồng. Khi bị bắt giữ, các đối tượng đều ân hận vì chưa bao giờ làm hành động này.
Tại Long An, cơ quan bộ đội biên phòng cũng bắt giữ cả tấn pháo nổ. Các đối tượng đều đưa về nội địa để tiêu thụ trong dịp cuối năm.
Theo các cơ quan chức năng, những đối tượng bị bắt khi vận chuyển pháo trái phép đều là cư dân xung quanh vùng biên giới.
Các chủ đầu nậu nhập pháo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết và cuộc sống khó khăn của người dân ở đây để thuê họ vận chuyển trái phép pháo cho mình để đưa vào nội địa bán thu lợi bất chính.
Kể từ khi mở chiến dịch trấn áp tội phạm buôn lậu trong dịp Tết Quý Mão, các lực lượng biên phong tỉnh Tây Ninh và Long An đã bắt giữ hàng chục tấn pháo các loại đang được nhiều đối tượng vận chuyển đi vào nội địa tiêu thụ.
Tính chất, mức độ, độ manh động của các đối tượng ngày càng tăng lên.
Trước đó, tại Hiệp Hòa, Bắc Giang, cơ quan công an huyện đã tiến hành bắt quả tang 3 vụ/3 đối tượng gồm: Nguyễn Đức Chính, sinh năm 2004, trú tại thôn Đồng Xứng, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; Ngô Văn Toàn, sinh năm 1987, trú tại thôn Hà Nội, xã Đại Thành, huyện Hiệp Hoà; Lê Đức Mạnh, sinh năm 1993, trú tại Phố Nỉ, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội có hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ pháo nổ trái phép.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Ngọc Ngà - Khoa Bỏng Chỉnh Hình – Bệnh viện Nhi Đồng 2 khoảng vài năm trở lại đây năm nào vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới khoa lại tiếp nhận rất nhiều bệnh nhi nhập viện vì tai nạn đốt pháo, pháo tự chế.
Đặc biệt, các bệnh nhi này đều chủ yếu rơi vào trẻ lớn từ 10 tuổi trở lên.
BS Ngọc cho biết các trường hợp tai nạn do pháo nổ, pháo tự chế thường bị nặng thậm chí có trẻ phải cắt bỏ tay vì pháo nổ.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, người dân không nên sử dụng pháo nổ trái pháp luật. Pháo là trò chơi nguy hiểm nên trong trường hợp không cần thiết thì không nên chơi.
Nếu trẻ nhỏ tò mò thích chơi thì cũng nên có sự giám sát của người lớn và đọc hướng dẫn sử dụng trước khi đốt.
Tuyệt đối không tự chế pháo vì nguy cơ xảy ra rủi ro rất cao, khả năng phục hồi vận động ở phần cơ thể bị pháo nổ rất thấp. Cách tốt nhất đó là nói không với pháo nổ.
Theo quy định của pháp luật, dịp Tết người dân được sử dụng pháo nhưng chỉ pháo hoa và pháo được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, pháo được quy định như sau:
Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ.
Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
K.Chi