Từng nhiễm Covid-19 ở Nga 11 tháng trước, vì sao về Việt Nam vẫn mắc?
Trường hợp mới phát hiện dương tính Covid-19, dù trước đó đã từng nhiễm bệnh ở Nga, có 2 khả năng xảy ra: tái nhiễm và bài xuất vi rút chậm, nhưng khả năng cao là tái nhiễm.
Ảnh minh hoạ |
Sáng 7/9, CDC Hà Nội công bố một trường hợp dương tính với SARS- CoV- 2 là N.T.P (nam, sinh năm 1968 trú tại Nghĩa Đô, Cầu Giấy).
Điều tra dịch tễ bệnh nhân cho biết có tiền sử nhiễm SARS- CoV- 2 tại Nga vào ngày 8/11/2020.
Ngày 3/9 bệnh nhân có đi tiêm vắc xin tại số 21 Trung Liệt.
Ngày 6/9 bệnh nhân đưa người nhà đi khám tại PKĐK Medlatec Tây Hồ được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính (BV Medlatec thực hiện). Hiện tại bệnh nhân không triệu chứng.
Trước ca bệnh này nhiều người băn khoăn có phải bệnh nhân bị tái nhiễm, nếu mắc thì có diễn tiến nặng hay không?
Trả lời băn khoăn này, PGĐ TS. BS Vũ Minh Điền, PGĐ Trung tâm Phòng chống dịch và tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ca này từng bị nhiễm SARS- CoV- 2 ở Nga từ tháng 11 năm 2020 đến nay đã được 11 tháng.
Do đó có 2 khả năng xảy ra đó là tái nhiễm và bài xuất vi rút chậm, nhưng khả năng tái nhiễm là nhiều.
“Vì thứ nhất thời gian nhiễm đã quá lâu rồi. Còn khả năng bài xuất vi rút chậm thì ở Việt Nam cũng có trường hợp chậm nhất cũng chỉ 3,5 tháng thôi (dương tính, không lây, nuôi cấy vi rút không mọc nghĩa là bài tiết vi rút chậm)”, TS. BS Minh Điền nói.
Theo TS. BS Vũ Minh Điền, bản thân miễn dịch SARS- CoV-2 là miễn dịch không bền vững, kể cả mắc hay miễn dịch do tiêm vắc xin. Thành ra khả năng bảo vệ lâu dài không có.
“Điều này lý giải vì sao các nước khuyến cáo tiêm vắc xin nhắc lại mũi thứ 3, 4 sau 6 tháng đến 1 năm là vì thế.
Hơn nữa chủng vi rút năm nay khác với năm ngoái. Chủng năm ngoái ở Nga cũng như Việt Nam là chủng Anpha và Beta đầu năm nay mới xuất hiện chủng Delta”, TS. BS Vũ Minh Điền lý giải.
Tuy nhiên, để có kết luận một cách chính xác, bài bản và khoa học, theo TS. BS Vũ Minh Điền, thì phải giải trình tự mẫu bệnh phẩm của BN N.T.P mắc lần này xem chủng gì và năm ngoái là chủng gì.
Nếu năm ngoái rõ ràng xác định là Anpha hay Beta thì chắc chắn là tái nhiễm rồi.
Còn năm ngoái bệnh nhân là Beta hoặc Anpha mà năm nay vẫn là hai chủng này thì có hai khả năng xảy ra: Một là tái nhiễm hai là bài tiết chậm. Lúc này sẽ phải làm thêm một bước nữa là nuôi cấy vi rút đợt này.
Nếu nuôi cấy mà không mọc được thì nhiều khả năng là xác vi rút còn, nếu mọc được trong môi trường tế bào (con vi rút sống thực sự) thì là tái nhiễm.
Trước ca bệnh này, TS. BS Vũ Minh Điền khuyến cáo, kể cả những người đã từng nhiễm rồi thì sau 6 tháng nên được tiêm vắc xin để phòng dịch. Đáng lưu ý, khi chưa được phủ đủ vắc xin hoặc với người đã tiêm đủ hai mũi thì vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng dịch, trong đó tuyệt đối tuân thủ các biện pháp 5K.
Hà Nội thần tốc xét nghiệm Covid-19 cho 100% người dân: Có khả thi?
Đã có nhiều ý kiến trái chiều sau công điện của Chủ tịch Hà Nội về việc sẽ tiến hành xét nghiệm thần tốc cho 100% người dân trên địa bàn từ ngày 6-12/9.
N. Huyền