Hà Nội thần tốc xét nghiệm Covid-19 cho 100% người dân: Có khả thi?
Đã có nhiều ý kiến trái chiều sau công điện của Chủ tịch Hà Nội về việc sẽ tiến hành xét nghiệm thần tốc cho 100% người dân trên địa bàn từ ngày 6-12/9.
Ảnh minh hoạ |
Xét nghiệm thần tốc 100% người dân
Ngày 6/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện về tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trước ngày 15/9 nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 để TP vào nhóm kiểm soát tốt dịch bệnh theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh của Bộ Y tế tại Quyết định số 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021.
Trong đó, đáng lưu ý có việc Thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm diện rộng thần tốc 100% người dân trên toàn bộ địa bàn TP để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng.
Thời gian thực hiện từ ngày 6/9 đến 12/ 9 sẽ xét nghiệm toàn bộ 100% người dân trên toàn địa bàn TP.
Tại khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao: Lấy mẫu cho toàn bộ người dân từ 2-3 ngày/lần.
Tại khu vực có nguy cơ cao: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân từ 5-7 ngày/lần.
Tại các khu vực khác: Lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.
Hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát nhân viên y tế và áp dụng các phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp.
Đồng thời để thực hiện được chiến dịch này công điện cũng nêu sẽ tăng cường các điểm lấy mẫu di động tại các xã, phường, thị trấn. Và sau ngày 12/9 tiếp tục lấy mẫu để giám sát, đánh giá nguy cơ.
Có khả thi và cần thiết ?
Trước thông tin này, dư luận xã hội không khỏi băn khoăn về tính khả thi của việc thực hiện xét nghiệm cho 100% người dân. Trong đó có không ít sự nghi ngại việc tập trung đông người để làm xét nghiệm vô tình là tác nhân lây lan dịch bệnh, Hà Nội có thể lặp lại nguy cơ lây nhiễm do tập trung đông xét nghiệm như TP Hồ Chí Minh.
Thậm chí có luồng ý kiến còn cho rằng đã ở nhà hơn 45 ngày không tiếp xúc với người lạ, không có biểu hiện bệnh nên chắc chắn sẽ không đi xét nghiệm.
Phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội nhưng các số đều không bắt máy.
Dưới góc độ chuyên môn, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho rằng, nói "Hà Nội lặp lại nguy cơ từ việc tập trung xét nghiệm ở TP HCM" là không đúng bởi mục tiêu của việc xét nghiệm 100% dân ở Hà Nội là đúng, nhưng vấn đề ở đây là phương pháp xét nghiệm, cách tiến hành phải thật chặt chẽ.
Trong đó chú ý hai yếu tố chặt gồm: kết quả phải có thật nhanh và không để lây chéo, lây thêm trong quá trình lấy mẫu.
“Vì khi có kết quả nhanh mới giải quyết được việc khu này bị hay không bị, bị ít hay nhiều để đưa ra những biện pháp cách ly phù hợp.
Còn nếu tiến hành xét nghiệm cho kết quả chậm mà người dân vẫn tiếp tục di chuyển, nếu có F0 là 'chạy không kịp'.
Vấn đề thứ hai, đó là không lây chéo trong quá trình lấy mẫu. Hai yếu tố trên là quyết định tất cả’, BS Trương Hữu Khanh phân tích.
Ông nhấn mạnh: “Không nên đổ thừa cho chiến lược xét nghiệm”. Chiến lược xét nghiệm lúc nào cũng đúng bởi vì xét nghiệm càng nhanh thì càng phát hiện nhiều F0.
Nhưng cách xét nghiệm của mình có hai yếu tố có thể sai và làm phá sản luôn chiến lược xét nghiệm. Đó là lây chéo trong quá trình xét nghiệm (tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đó, vì lây chéo trong khi xét nghiệm là đã nhân F0 lên rồi).
Thứ hai nếu xét nghiệm mà mấy ngày sau mới có kết quả thì đừng làm. Vì không giá trị. Bởi từ khi xét nghiệm đến khi có kết quả thì đã lây rồi. Như thế đâu còn giá trị”.
Do đó, BS Khanh cho rằng “nếu đạt được hai yêu cầu này thì nên làm”.
Với mật độ dân số đông, lực lượng nhân viên y tế lấy mẫu mỏng trong khi thời gian thực hiện xét nghiệm nhanh, vậy làm thế nào để Hà Nội có thể đạt được hai mục tiêu trên?.
Trả lời câu hỏi này, BS Khanh hiến kế có thể để người dân tự làm xét nghiệm.
“Khi người dân tự làm lực lượng y tế sẽ không mất công và không lây cho ai. Còn trường hợp nào không biết làm thì tuỳ vùng đó mà thực hiện test nhanh, tuỳ máy để làm PCR”, BS Khanh nói.
Với quan niệm 'ở nhà suốt 45 ngày, không ra ngoài, không tiếp xúc với người lạ cũng không có biểu hiện thì không cần thiết phải tiến hành xét nghiệm', BS Khanh khẳng định ngay “cách hiểu này hoàn toàn sai”.
Bởi vì người dân họ không có biểu hiện gì không có nghĩa không mang mầm bệnh. Thực tế đã chứng minh nhiều người dương tính với SARS- CoV- 2 nhưng không có biểu hiện. Thậm chí có tình huống người dân có thể có bệnh mà không báo cho y tế.
“Nếu như vậy mà bỏ giãn cách trong khi chúng ta chưa chích ngừa đủ là chết”, BS Khanh cảnh báo.
Do đó, một lần nữa BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh “không nên đổ lỗi cho chiến dịch xét nghiệm, cách làm mới là quan trọng”.
“Bây giờ có ba chiến dịch: điều trị F0 tốt, truy vết xét nghiệm nhanh để tách F0 và chích ngừa vắc xin cho ổn. Ba chiến dịch đó coi lại xem có làm xấu hơn diễn biến dịch hay không? Chứ đừng nói 3 cái đó sai. Không có cái nào sai hết, vấn đề là cách tiến hành”, BS Trương Hữu Khanh thông tin.
N. Huyền