Tự chủ tài chính: Nâng quyền cho hội đồng nhà trường
Theo đó, ngoài việc thực hiện quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó theo quy định đề nghị cơ quan chủ quản bổ nhiệm, Hội đồng trường cũng sẽ quyết nghị các nội dung tự chủ của trường.
Cụ thể, Hội đồng trường cũng sẽ thông qua kế hoạch tài chính hàng năm, mức thu phí các loại dịch vụ giáo dục đào tạo và định mức chi các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của nhà trường và các vấn đề quan trọng khác của trường theo quy định của pháp luật.
Hội đồng trường cũng quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động nhà trường.
Ngoài ra, căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, hội đồng trường giao cho hiệu trưởng được quyền quyết định một số nội dung cụ thể về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
Về cơ cấu, Hội đồng trường có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 19 thành viên. Trong đó số lượng thành viên bên ngoài tham gia hội đồng trường chiếm không dưới 30% tổng số thành viên của hội đồng trường.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì không thành lập Hội đồng quản lý, chỉ thành lập Hội đồng trường và Hội đồng trường thực hiện thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng quản lý.
Chủ tịch Hội đồng trường, nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường thì sau khi bổ nhiệm phải là cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.