Tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo
Ngày 20/12, Đại hội thành lập Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015 - 2019 chính thức được diễn ra tại Hà Nội.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam được thành lập trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Hiện Hiệp hội đã tập hợp được 372 trường đại học, cao đẳng và 30 cá nhân vào làm hội viên.
Theo đó, hiệp hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp của giáo dục đại học, tập hợp các cơ sở ĐH, CĐ và các cơ sở nghiên cứu khoa học có đào tạo sau đại học của Việt Nam… hiệp hội là nơi hỗ trợ nhau phát triển, cũng là nơi bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của các hội viên. Hiệp hội nghiên cứu, tham mưu, phản biện về các chủ trương, chính sách có liên quan tới giáo dục nói chung; là tổ chức bất vụ lợi, tồn tại để hoạt động nhằm đóng góp cho sự phát triển của nền đại học nước nhà, góp phần quan trọng xây dựng sức mạnh trí tuệ đất nước.
Trước mắt, hiệp hội tập trung nghiên cứu để tham gia phản biện: Tiến hành nghiên cứu xây dựng các phương án, tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp; Nghiên cứu kiến nghị hệ thống các giải pháp đồng bộ, giải quyết vấn đề nguồn lực và động lực phát triển giáo dục ĐH.
Tới dự và phát biểu tại đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong phản biện chính sách; nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho ĐH, CĐ phát triển; đánh giá xếp hạng, phân tầng ĐH, CĐ. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT động viên các trường tham gia nghiên cứu những chính sách chung của cả nước, vì các trường có đội ngũ trí thức đông đảo.
Phó Thủ tướng cho rằng, ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bao cấp vì như thế chất lượng đào tạo không thể nâng lên được. Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, trong đó tự chủ ĐH (cả về đào tạo, tài chính, tổ chức…) là tất yếu. Tự chủ không có nghĩa là buông lỏng, không có chính sách cho đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, cho những ngành Nhà nước cần đào tạo nhưng chúng ta sẽ làm theo cơ chế đặt hàng. Trên cơ sở tự chủ tài chính, thậm chí hạch toán như doanh nghiệp, các trường ĐH, CĐ cần tự chủ về học thuật, về tổ chức để cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, cùng nhau khắc phục những điểm yếu, khiếm khuyết.
Cũng tại đại hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT sẽ luôn đồng hành cùng Hiệp hội và mong muốn Hiệp hộ sẽ phối hợp giúp đỡ Bộ GD&ĐT vượt qua những khó khăn, thách thức, khắc phục những yếu kém bất cập của giáo dục để thực hiện thành công công cuộc đổi mới GD- ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29. Bộ sẽ chủ động phối hợp và sẵn sàng lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện của các thành viên trong Hiệp hội với một tinh thần cầu thị nhằm xây dựng các chính sách của Ngành sát với thực tế hơn và hiệu quả hơn.