Tự chủ đại học phải đi đôi với chú trọng công tác đào tạo
Tự chủ trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.
Chia sẻ về vấn đề tự chủ đại học, TS. Hoàng Thị Xuân Hoa – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm tự chủ đại học, tùy theo nhận thức về vai trò của nhà nước đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Ở các nước châu Âu, tự chủ đại học được nhìn nhận từ hai khía cạnh: thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, của thị trường lao động, nhà cung cấp dịch vụ và các ảnh hưởng chính trị; là quyền tự do đưa ra các quyết định về cách thức tổ chức hoạt động cũng như mục tiêu sứ mạng của trường.
Trên thế giới hiện nay, tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học. Một nguyên lý cơ bản đằng sau tự chủ đại học là các cơ sở GDĐH sẽ vận hành tốt hơn nếu họ được nắm vận mệnh của chính mình.
Tự chủ sẽ tạo động lực để họ đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mình, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục.
Vì vậy, xu hướng chung trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, từ Nhà nước kiểm soát (state control) sang Nhà nước giám sát (state supervison).
Ví dụ như Nhật Bản thông qua Đạo luật Hiệp hội Đại học Quốc gia năm 2003 trao quyền tự chủ về mặt pháp lý cho tất cả các trường đại học với quyền lực nhiều hơn cho Giám đốc/Hiệu trưởng và Ban quản trị trường. Năm 2005, Singapore cũng thông qua một luật tương tự trao quyền tự chủ cho 3 trường đại học của nước này. Gần đây, bang Nord Rhein-Westfalia, Đức cũng trao quyền tự quyết định cho 33 trường đại học trong việc tuyển dụng các giáo sư và các khóa đào tạo của trường.
Tự chủ trong giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục đại học Việt Nam như một trường đại học lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ GD& ĐT, các trường đại học đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước.
Còn GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ: Khi được giao quyền tự chủ, trường đại học sẽ tự quyết nhiều vấn đề, từ tuyển sinh, tài chính, nhân sự cho đến sự thành bại của thương hiệu nhà trường. Khi Nhà nước giao quyền tự chủ cho nhà trường thì phải tự chịu trách nhiệm, nhất là đối với sinh viên - sản phẩm do nhà trường đào tạo.
Nếu nhà trường tự chủ không chú trọng trong công tác đào tạo, sinh viên ra trường không có việc làm, đào tạo không đáp ứng nhu cầu xã hội thì tự khắc xã hội sẽ đào thải. Đây cũng là ưu điểm đáng kể của tự chủ đại học, người hưởng lợi chính là sinh viên và xã hội, nhất là đối tượng sử dụng lao động.
Vấn đề tiếp theo là chất lượng đào tạo, chúng ta cần “siết” đầu ra sinh viên các trường. Tránh trường hợp giao quyền tự chủ, các trường tuyển sinh ồ ạt rồi đào tạo không đảm bảo chất lượng trong khi đầu ra lại “mở”.
Một trong những sứ mệnh quan trọng của trường đại học là sáng tạo tri thức mới, trường đại học phải có quyền tự do về học thuật. Cần giao thực quyền cho hội đồng trường, đồng thời mở rộng quyền tự chủ đến từng bộ môn, từng giảng viên.
Thực tế, các cơ sở giáo dục ĐH thí điểm tự chủ đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, khi thí điểm tự chủ, các trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; được quyết định mở ngành, ngưng mở ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; mở các chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo nhiệm vụ chính trị được giao…
Đại học chúng ta hiện nay cần phải năng động hơn, từ chương trình đào tạo cho tới nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thực tế chương trình đại học của nhiều trường đại học trên thế giới ít hơn ta rất nhiều, thời gian học của sinh viên được rút ngắn lại, thay vào đó là thời gian tự học, tự nghiên cứu và trải nghiệm thực tế. Người giảng viên đại học không chỉ “ôm” giáo trình để dạy mà phải ra xã hội để biết họ cần gì, để cập nhật kiến thức mới nhất bổ sung vào quá trình giảng dạy.