TT Biden tung chiêu hạ nhiệt giá dầu sau khi 'nghỉ chơi' với Nga
Trong nỗ lực giảm giá bán nhiên liệu sau khi dừng mua dầu của Nga, Mỹ được cho đang cân nhắc giải phóng 180 triệu thùng dầu trong kho dự trữ.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc giải phóng 180 triệu thùng dầu dự trữ từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) trong vài tháng tới nhằm giải quyết tình trạng lạm phát và thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ.
Reuters đưa tin, theo 4 nguồn tin tại Mỹ, động thái của Nhà Trắng là nhằm hạ giá bán nhiên liệu.
Mỹ liên tiếp áp đặt lệnh trừng phạt với Nga liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine khiến giá xăng dầu toàn cầu tăng cao. (Ảnh: AP) |
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ trưởng Năng lượng New Zealand là bà Megan Woods thông báo hôm 31/3 rằng, các nước thành viên thuộc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ nhóm họp vào ngày 1/4 để quyết định về chuyện cùng giải phóng số lượng dầu dự trữ.
“Số lượng dầu dự trữ được giải phóng vẫn chưa được quyết định. Cuộc họp sẽ quyết tổng số lượng và các nước làm theo”, bà Woods nói.
Hiện không rõ liệu ý định giải phóng 180 triệu thùng dầu trong kho dự trữ của Mỹ có phải là một phần trong chính sách điều phối toàn cầu của IEA hay không. Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden sẽ đưa ra tuyên bố trong ngày 31/3 về kế hoạch hành động của chính phủ Mỹ.
Số lượng 180 triệu thùng dầu mà Mỹ dự tính đưa ra khỏi kho dự trữ tương đương với lượng dầu sử dụng trong 2 ngày trên toàn thế giới. Đây cũng sẽ là lần thứ 3 trong vòng 6 tháng qua, Mỹ buộc phải mở kho dự trữ dầu mỏ chiến lược. Ngoài ra, 180 triệu thùng dầu còn có thể trở thành lượng dầu được giải phóng với quy mô lớn nhất trong vòng 50 năm hoạt động của SPR.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, giá dầu toàn cầu đã giảm hơn 5 USD/thùng.
Trước đó, giá dầu trên thế giới liên tục tăng cao kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2. Ngay sau đó, Mỹ và các nước đồng minh đã cho ban hành liên tiếp lệnh trừng phạt nhằm gây tác động lớn tới nền kinh tế của Nga, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 trên thế giới.
Theo đó, giá dầu Brent đã tăng lên khoảng 139 USD/thùng hồi đầu tháng Ba, mức cao nhất kể từ năm 2008, nhưng đã giảm xuống còn 108 USD/thùng trong phiên giao dịch ở thị trường châu Á vào ngày 31/3.
Nga hiện là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới và chiếm khoảng 10% thị trường toàn cầu. Theo ước tính của IEA, các lệnh trừng phạt cùng tâm lý từ chối mua dầu của Nga khiến 3 triệu thùng dầu của Nga bị “bay khỏi” thị trường toàn cầu mỗi ngày từ tháng Tư này. Nga hiện xuất khẩu 4 – 5 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Còn theo Bộ Năng lượng Mỹ, kho dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ hiện lưu trữ 568,3 triệu thùng. Đây là mức dự trữ thấp nhất kể từ tháng 5/2002.
Thông tin Mỹ dự định giải phóng 180 triệu thùng dầu được công bố ngay trước thềm cuộc họp của Liên minh OPEC+ mà trong đó Ả Rập Xê-út và Nga thảo luận về việc cắt giảm nguồn cung dầu mỏ. Trước đó, Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác đã hối thúc OPEC + gia tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, OPEC+ dự kiến vẫn giữ nguyên kế hoạch gia tăng sản lượng một cách từ từ.
Theo thông báo được ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital gửi tới khách hàng, “việc Mỹ giữ quan điểm cứng rắn với Moscow khi tuyên bố sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt nếu Nga tiếp tục tấn công Ukraine, chúng tôi tin hoạt động giải phóng của SPR là công cụ để giảm bớt tác động từ các quyết định chính sách đối ngoại đối với người tiêu dùng Mỹ”.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói hồi tuần trước rằng, Mỹ và đồng minh trong IEA đang thảo luận về việc điều phối giải phóng kho dự trữ dầu mỏ.
Hồi đầu tháng Ba, các nước thành viên IEA cũng cho hay hơn 60 triệu thùng dầu dự trữ sẽ được giải phóng, mà trong đó 30 triệu thùng đến từ SPR của Mỹ.
Trớ trêu du thuyền siêu sang của tỷ phú Nga 'mắc cạn' vì không mua được nhiên liệu
Neo đậu tại cảng Na Uy và bị các nhà buôn nhiên liệu từ chối bán cho, du thuyền siêu sang của một tỷ phú Nga không thể di chuyển suốt 5 tuần qua.
Minh Thu (lược dịch)