Truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đà Lạt
Hòa mình trong công cuộc mở mang xây dựng đô thị nghỉ mát theo qui hoạch của người Pháp, với lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, công nhân thợ thuyền các hầm mỏ, đồn điền, xây dựng đường sá, nhà cửa tại thành phố Đà Lạt đã không ngừng vùng lên đấu tranh chống bất công, áp bức, giành quyền làm chủ về tay nhân dân.
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đà Lạt được thành lập rất sớm, vào tháng 4/1930, đã tổ chức các Công hội Đỏ trong công nhân, thành lập các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Hội ái hữu, Hội tương tế.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, chi bộ lãnh đạo các tổ chức quần chúng tham gia các hoạt động nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh của giai cấp công nhân.
Tối 30/4/1930, cờ đỏ búa liềm được treo ở chợ Đà Lạt và Cầu Đất, truyền đơn xuất hiện trên các đường phố, dọc đường 11 và khu vực đồn điền chè Cầu Đất.
Tại công trường làm đường hầm xe lửa Cầu Đất, công nhân làm việc trong những điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ, hàng trăm người bị chết vì tai nạn lao động, bệnh tật; bọn chủ hãng, cai thầu lại thường xuyên quỵt lương, trả lương chậm, ngược đãi và đánh đập công nhân rất dã man.
Không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột thậm tệ đó, ngày 4/5/1930, hàng trăm công nhân bãi công đòi trả đủ lương, đuổi bắt tên cai thầu và tịch thu tài sản chia cho công nhân nghèo.
Trước sức mạnh đấu tranh của công nhân, chủ hãng phải nhượng bộ, nhận trả 50% số lương còn nợ công nhân. Cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi, đánh dấu sự chuyển biến về nhận thức và tinh thần đoàn kết đấu tranh của giai cấp công nhân Đà Lạt.
Trước tình hình đời sống của công nhân ngành xây dựng ngày càng khó khăn, nhóm Tiến bộ đã lãnh đạo và tổ chức công nhân đấu tranh. Ngày 27/8/1938, trên 1.000 công nhân xây dựng và công nhân của hãng thầu Sidec đình công đưa yêu sách: tăng lương 30%, ngày làm 8 giờ và không được đuổi thợ vô cớ.
Sau hơn 1 tháng đình công, tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn nhưng công nhân xây dựng Đà Lạt đã được tăng lương từ 10 đến 20% và ngày làm việc 8 giờ. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn, thể hiện ý thức và tinh thần đoàn kết của công nhân ngành xây dựng, đồng thời tranh thủ được sự biểu tình, ủng hộ của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Đà Lạt.
Phát huy những thắng lợi của các cuộc đấu tranh trên đây, từ năm 1936 đến 1939, tại Đà Lạt, đã diễn ra 17 cuộc đấu tranh trong đó có 8 cuộc bãi công bãi thị, có cuộc biểu tình lớn với 1.000 -2.000 người tham gia.
Đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Được sự giúp đỡ của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Khánh Hòa, ngày 21/8/1945, hội nghị bàn kế hoạch khởi nghĩa ở Đà Lạt, nhất trí thành lập Ủy ban khởi nghĩa và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 23/8/1945.
Tại Cầu Đất, tuy chưa có sự chỉ đạo của cấp trên nhưng do nhanh chóng nắm bắt được tình hình nên ngày 23/8/1945, lực lượng công nhân, thanh niên và nhân dân ở đây đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Theo đúng kế hoạch, sáng ngày 23/8/1945, nhân dân Đà Lạt kéo về tập trung tại khu vực chợ (nay là khu Hoà Bình). Lực lượng gồm có: công nhân, thanh niên, phụ nữ được tổ chức thành từng đoàn tay cầm dao kiếm, cuốc xẻng, gậy gộc, các đội tự vệ mặc đồng phục, trang bị vũ khí thô sơ. Khu vực trung tâm thị xã náo nhiệt, rợp cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ. Trước khí thế cách mạng của quần chúng, tỉnh trưởng Ưng An phải đem nộp ấn tín và sổ bộ cho đại biểu Ủy ban khởi nghĩa.
Ngày 24/8/1945, nhân dân Đà Lạt tiếp tục biểu tình chiếm dinh tổng đốc Lâm Đồng - Bình Ninh và một số công sở khác. Tối 24/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên được thành lập, tiếp đó là Ủy ban Việt Minh tỉnh và các tổ chức quần chúng như công nhân, thanh niên, phụ nữ cũng được thành lập.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại đối với phong trào cách mạng Đà Lạt, góp phần cùng cả nước tổng khởi nghĩa thắng lợi, đưa cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Với thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám, nhân dân Đà Lạt từ người nô lệ thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Tám đã đem lại những quyền lợi thiết thực mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động hằng mong ước gần hơn 40 năm qua: xóa bỏ áp bức bóc lột, nam nữ bình đẳng, bỏ thuế thân, ngày làm 8 giờ...
Tuy những quyền lợi đó mới được thực hiện trong thời gian ngắn nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc và trở thành động lực tinh thần của nhân dân Đà Lạt cùng cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới.