Truy xuất nguồn gốc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chè
Chè Thái Nguyên có thể thấy ở khắp nơi, tuy nhiên, không dễ để mua được chè Thái Nguyên chính hiệu, khi hiện tượng hàng giả hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường với nhiều hình thức khác nhau.
Để tránh việc bị nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ hay mạo danh thương hiệu làm ảnh hưởng đến uy tín, các hợp tác xã chè và cả cơ quan quản lý tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hành động để bảo vệ thương hiệu chè.
Đặc biệt, Sở Công Thương Thái Nguyên đã xây dựng website chè tích hợp truy xuất nguồn gốc tại địa chỉ https://thainguyentea.gov.vn.
Sau hơn 3 năm, nền tảng website này bước đầu đã đáp ứng tốt nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, góp phần bảo vệ thương hiệu trà Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế.
Khi truy cập các doanh nghiệp, người tiêu dùng được cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm trà trên hệ thông truy xuất nguồn gốc, cách đăng ký vào hệ thông truy xuất nguồn gốc và các sản phẩm mới được phê duyệt cấp mã truy xuất QR code. Website cũng giới thiệu những hình ảnh đẹp về đặc sản cây chè Thái Nguyên; giới thiệu, phổ biến kiến thức về cây chè, nghệ thuật thưởng trà…
Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm trà Thái Nguyên giúp các doanh nghiệp phát hiện, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên thị trường; kịp thời nắm bắt thông tin về sản phẩm; bảo vệ các cơ sở sản xuất và đơn vị phân phối; nhận phản hồi trực tuyến từ người tiêu dùng; kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước; xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm trà…
Bằng cách quét mã sản phẩm (mã QR code) trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng được tiếp cận nhiều thông tin hơn về sản phẩm; nắm rõ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được sản xuất từ đâu; kiểm tra vệ sinh an toàn sản phẩm… Đây là công cụ hữu hiệu góp phần nâng cao giá trị, chất lượng; khẳng định vị thế thương hiệu Trà Thái Nguyên trên thị trường; góp phần thay đổi tư duy quản lý của các đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh chè, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được các tiêu chí của sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Thái Nguyên luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Mai Anh |
Ông Chu Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi thường xuyên kiểm tra giám sát và ký cam kết với các doanh nghiệp là phải làm đúng quy định để giữ gìn thương hiệu, giá trị chè tập thể Thái Nguyên cũng như nhãn hiệu mà các cơ sở đăng ký tên riêng".
Tỉnh Thái Nguyên cũng đã đưa ra quy định trên bao bì sản phẩm chè phải có tem truy xuất nguồn gốc, ghi rõ địa chỉ, số điện thoại của cơ sở sản xuất, ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng cùng logo thương hiệu. Nếu sản phẩm chè mang tên Thái Nguyên mà không có một trong những tiêu chí trên thì rất có thể đó không phải là chè Thái Nguyên chính hiệu.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức khảo sát và hướng dẫn 3 hợp tác xã (HTX) áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. 3 HTX được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gồm: HTX chè Hảo Đạt, HTX trà Sơn Dung, HTX Tâm Trà Thái. Đây là những HTX có sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh. Các HTX trên được chuyên gia của Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia hướng dẫn, hỗ trợ về: Xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, kỹ thuật áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc, kết nối sản phẩm với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản, thực phẩm giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hướng đến chinh phục trong nước và vươn ra thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Để đẩy mạnh phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, trong thời gian tới, Sở Công Thương phối hợp cùng với các sở, ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền khuyến khích nông hộ sản xuất nhỏ lẻ liên kết hình thành các tổ hợp tác, HTX; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao để đảm bảo nâng cao năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm nông sản,... tăng cường việc cấp mã số vùng sản xuất; ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy suất quá trình sản xuất nông sản và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các kênh và đặc biệt tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về hoạt động truy xuất nguồn gốc, kinh doanh nông sản trên các sàn giao dịch điện tử.
Mai Anh