Trưởng trạm y tế ở TP.HCM trải lòng về những ngày ám ảnh trong dịch Covid-19
“Có đêm, tôi đưa bệnh nhân Covid-19 đến 3 bệnh viện nhưng không chỗ nào nhận. Người bệnh gọi đến từ khắp nơi, chúng tôi kiệt sức. Chúng tôi sợ cả tiếng chuông điện thoại”.
Bác sĩ Lê Bá Kông là Trưởng trạm Y tế phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TP.HCM). Đây là địa bàn có khu công nghiệp Bình Chiểu, khu chế xuất Linh Trung, lại giáp ranh chợ đầu mối Thủ Đức.
“Ở chợ đầu mối, người khuân vác, vận chuyển không đeo khẩu trang vì khó thở. Người ta cũng chủ quan khi công nhân với tiểu thương đã tiêm vắc xin hết rồi, nên bùng dịch rất nhanh”, bác sĩ Lê Bá Kông cho hay.
Bệnh nhân được chuyển đi 3 bệnh viện nhưng không được nhận vì không có oxy. Ảnh: BSCC |
Trên địa bàn 80.000 dân, 2/3 là tạm trú, có rất nhiều khu trọ lụp xụp. Khó có thể tin, giờ đây vẫn còn những nơi phải dùng chung nhà vệ sinh giữa TP lớn nhất nước. Đây là yếu tố gây lây lan rất nhanh khi có ca nhiễm.
Không nằm ngoài dự đoán, phường Bình Chiểu có đến 7.509 F0. Khởi nguồn, dịch bùng phát ở một công ty với 140 ca mắc. Công nhân thuộc diện F1, F2 có ngày lên đến 700 người. Trạm y tế quá tải với khối lượng thủ tục hồ sơ lớn, không kịp xác minh nhiều trường hợp.
“Công tác truy vết rất vất vả. Các bác sĩ làm việc đêm hôm. Trang thiết bị thiếu thốn nhiều, đồ phòng dịch không có, xe cấp cứu không đủ”, bác sĩ Kông nhớ về thời điểm khó khăn bủa vây.
Anh không thể quên khi trạm thiếu nguồn thuốc, phải vận động từ các Mạnh Thường Quân. Mượn được một chiếc ô tô của người quen, anh bắt đầu cách khám bệnh… dã chiến mỗi tối cho F0.
“Tôi ngồi trên xe, bệnh nhân đứng trước xe, mình gọi điện hỏi tình trạng sức khỏe. Thuốc có sẵn trên xe đó, rồi phát luôn cho bệnh nhân. Ban ngày đi học, buổi tối đi khám, có khi đến 2-3h sáng”, anh Kông kể.
Có lẽ với các bác sĩ, áp lực lớn nhất đến từ sự bất lực khi bệnh nhân ngày càng tăng nặng ngay trước mắt mình.
“Các bệnh viện bắt đầu quá tải. Có nhiều đêm, chúng tôi đưa bệnh nhân đến 3 bệnh viện nhưng không được nhận vì không có oxy. Có ngày lên đến hơn 100 ca mắc, người bệnh gọi đến từ khắp nơi, anh em y tế kiệt sức”, anh nhớ lại.
Người bệnh gọi đến ngày càng nhiều, liên tục. Tiếng chuông điện thoại trở nên ám ảnh với anh em trạm y tế. Họ chỉ có thể thay đổi nhạc chuông cho… bớt sợ.
Bác sĩ trạm y tế lưu động tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức. Ảnh: BSCC |
Bác sĩ Kông vẫn bị ám ảnh với hình ảnh một bệnh nhân tử vong tại nhà dù tổ cấp cứu đã có mặt. 4h15 sáng, người nhà F0 gọi điện thoại cầu cứu. Trường hợp này ở cạnh trạm y tế nên ê-kíp can thiệp ngay nhưng vẫn không xử lý kịp. Bệnh nhân tử vong lúc 4h30 sáng. Theo anh, đó không phải trường hợp duy nhất thương tâm như vậy.
Các tia hi vọng bắt đầu xuất hiện vào giữa tháng 7. Các đồng nghiệp y tế tư nhân không chỉ ở TP.HCM mà cả tỉnh Bình Dương cũng bắt tay hỗ trợ cùng trạm y tế phường Bình Chiểu. Sự giúp đỡ trên tinh thần tình cảm, không có cơ chế. Có bác sĩ đã trở thành F0.
Trợ lực thêm là các tổng đài tư vấn 1022, hệ thống cấp cứu 115 và đặc biệt là trạm y tế lưu động, đã san sẻ, gánh vác, chăm sóc F0 trên địa bàn phường.
Khi đó, trạm y tế Bình Chiểu được hỗ trợ 3 nhân viên quân y, 4 nhân viên y tế tỉnh Hải Dương, 2 bác sĩ y tế tư nhân thăm khám F0 trực tiếp, 4 bác sĩ tư vấn qua điện thoại. Nhân lực thực sự khác biệt so với trước đó.
“Chúng tôi lúc này có cả bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ chuyên khoa ngoại, nội, tai mũi họng và tâm thần. Nhờ vậy, chúng tôi rất tự tin khi quyết định bệnh nhân nào ở tại nhà, theo dõi và chăm sóc”, bác sĩ Kông cho hay.
Nếu như trước đây, riêng bác sĩ Kông phải quản lý 208 F0 và chỉ khám qua online, thì khi đó, 409 F0 được thăm khám trực tiếp.
F0 khỏi bệnh tình nguyện ở lại chăm sóc F0 trong khu thu dung của phường. Ảnh: BSCC |
“Trang thiết bị, khu thu dung của địa phương ra đời, các gói thuốc A-B-C được cung cấp, xe cấp cứu, taxi, máy tạo oxy, trạm oxy hỗ trợ F0 tận nhà”, anh khẳng định đây là thời điểm mọi thứ bắt đầu ổn định.
Khi ngành y tế có quy trình cụ thể, giải pháp hiệu quả, trang thiết bị, thuốc men đầy đủ, trạm y tế đã “mạnh dạn” giữ bệnh nhân tại khu thu dung của phường để theo dõi.
Theo bác sĩ Kông, trước đây nói đi khu cách ly, người dân rất e sợ. Nhưng khi có F0 đã điều trị về, truyền tai nhau rằng trong khu thu dung được chăm sóc tốt, cơm ăn ngon, mọi người mới vui vẻ, hợp tác chấp hành.
Điều đáng mừng là có những F0 sau khi điều trị khỏi bệnh, đã tình nguyện ở lại để hỗ trợ. Họ chính là những người chia sẻ, động viên bệnh nhân bằng trải nghiệm thực tế quý giá của mình.
Thế nhưng, trải qua thời điểm “giông bão” như vừa qua, bác sĩ Lê Bá Kông lại càng thêm trăn trở về chuyên môn và vị trí của bác sĩ của tuyến cơ sở.
“Khi nào giá trị của các bác sĩ ở y tế cơ sở cũng giống như bác sĩ của bệnh viện, thì khi đó người ta mới chịu về làm ở trạm y tế”, Trạm trưởng trạm y tế phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức chia sẻ.
Linh Giao