Trường học dành cho người khuyết tật sẽ được bố trí 2 phó hiệu trưởng
Thông tư quy định, đối với học sinh khuyết tật trí tuệ, cứ 10 học sinh được bố trí một người làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. |
Thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, bao gồm: trường tiểu học; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học; trường trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; trường trung học phổ thông; trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; trường phổ thông có nhiều cấp học và trường, lớp dành cho người khuyết tật.
Các cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập có thể căn cứ vào các quy định tại thông tư này để áp dụng thực hiện.
Theo đó, ở cấp tiểu học, mỗi trường sẽ có 1 hiệu trưởng. Đối với vùng trung du, đồng bằng, thành phố, mỗi trường tiểu học sẽ gồm 28 lớp trở lên và được bố trí 2 phó hiệu trưởng; Đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo mỗi trường sẽ có 19 lớp trở lên cũng sẽ được bố trí 2 phó hiệu trưởng.
Riêng trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học; trường dành cho người khuyết tật được bố trí 2 phó hiệu trưởng.
Trường có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng; Còn trường có từ 5 điểm trường trở lên ngoài điểm trường chính được bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng.
Trường tiểu học dạy học 1 buổi trong ngày, bố trí tối đa 1,2 giáo viên/lớp; trường dạy học 2 buổi trong ngày; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học và trường dành cho người khuyết tật cấp tiểu học được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp...
Định mức số lượng người làm việc trong trường cấp trung học cơ sở như sau: mỗi trường có 1 hiệu trưởng.
Trường trung học cơ sở có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở; trường phổ thông dân tộc nội trú huyện và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí 2 phó hiệu trưởng.
Trường trung học cơ sở có từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng.
Mỗi trường trung học cơ sở được bố trí tối đa 1,9 giáo viên/lớp. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện; trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và trường dành cho người khuyết tật cấp trung học cơ sở được bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp.
Với trường cấp trung học phổ thông, mỗi trường có 1 Hiệu trưởng. Trường trung học phổ thông có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường trung học phổ thông chuyên được bố trí 3 phó hiệu trưởng.
Trường trung học phổ thông có từ 18 đến 27 lớp đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 10 đến 18 lớp đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 2 phó hiệu trưởng.
Trường trung học phổ thông có từ 17 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 9 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được bố trí 1 phó hiệu trưởng.
Mỗi trường trung học phổ thông được bố trí tối đa 2,25 giáo viên/lớp; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh được bố trí tối đa 2,4 giáo viên/lớp. Trường trung học phổ thông chuyên được bố trí tối đa 3,1 giáo viên/lớp.
Thông tư cũng quy định về nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Cụ thể, đối với trường phổ thông dành cho người tàn tật, khuyết tật:
Đối với học sinh khuyết tật trí tuệ, cứ 10 học sinh được bố trí một người làm nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; đối với học sinh khuyết tật dạng khiếm thị, khiếm thính, cứ 30 học sinh được bố trí một người.
Đối với các trường phổ thông có học sinh khuyết tật học hòa nhập, căn cứ vào số lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập theo từng năm học, trường có dưới 15 học sinh khuyết tật thì có thể hợp đồng 1 người; trường có từ 15 học sinh khuyết tật trở lên thì có thể hợp đồng tối đa 2 người.
Ngoài các định mức trên, Thông tư cũng quy định rõ số lượng người làm việc khác trong các cấp học như: Tổng phụ trách Đội, nhân viên thư viện, công nghệ thông tin, kế toán, văn thử, thủ quỹ, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, nhân viên nấu ăn… tương ứng với các vùng miền, quy mô trường học…
Về lao động hợp đồng: Các trường được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ vệ sinh, bảo vệ. Trường có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nội trú có thể bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho học sinh.
Căn cứ vào tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các trường xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 28/8/2017.
Thông tư này thay thế Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và Thông tư số 59/2008/TT-BGDĐT ngày 31/10/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập.