Trước khi đi du lịch, bạn cần phải sắm các thuốc này
Mùa du lịch nhiều gia đình đi chơi nhưng không mang thuốc dự phòng, thậm chí thuốc hàng ngày của con cũng quên dẫn đến các trường hợp cấp cứu... vì quên thuốc.
Không nên thử thức ăn lạ cho trẻ
ThS BS CK2 Dương Công Minh, trưởng khoa Dinh Dưỡng Tiết Chế Bệnh Viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết cứ đến dịp nghỉ lễ, nghỉ hè trẻ lại được cha mẹ cho đi chơi, đi du lịch. Nhiều bố mẹ cho rằng khi đi du lịch cũng là kỳ để cho các con khám phá thức ăn ngon, lạ.
Tuy nhiên, khi đi du lịch các bậc cha mẹ không nên cho con ăn thử các thực phẩm lạ nhất là trẻ dưới 3 tuổi.
Nếu thực phẩm các con chưa ăn bao giờ, tốt nhất không cho con ăn vì trẻ ăn vào có thể gây tiêu chảy, dị ứng, rối loạn tiêu hoá.
Khi đi du lịch, bạn không cần ăn ngủ đúng như ngày thường, bạn có thể thay đổi nhịp sống những ngày nghỉ so với ngày thường nhưng vẫn cần phải kiểm soát đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, người có bệnh lý mãn tính.
Ví dụ, các bé suy dinh dưỡng vốn đã biếng ăn khi đi chơi, bố mẹ bận chơi nên việc ăn uống cũng lơ là, đi chơi về rồi tính nên trẻ không đủ năng lượng khiến nhiều trẻ đi chơi về bị bệnh hơn, suy dinh dưỡng hơn.
Ảnh minh hoạ. |
Ngược lại, với trẻ thừa cân béo phì thì sau chuyến du lịch về lại tăng cân không kiểm soát. BS Minh khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý rất kỹ.
Còn với những người sức khoẻ bình thường thì cha mẹ không cần quá quan tâm.
Với người bị đái tháo đường, khi đi du lịch bạn cần có sẵn thực đơn phù hợp với bệnh của mình, hạn chế thức ăn ngọt, chia nhỏ bữa ăn và đặc biệt luôn luôn nhớ mang thuốc... ví dụ máy thử đường huyết, thuốc insulin. Bạn không nên quên thuốc đến khi cần mới chạy ra nhà thuốc mua thuốc về tiêm thì đã muộn.
Những thuốc cần mang theo
BS Phan Xuân Trung – Trung tâm y khoa Hoà Hảo, TP.HCM, cho biết anh từng cấp cứu cho trường hợp đi du lịch nhưng không mang thuốc huyết áp khi cần thuốc đi mua thuốc bản thân vẫn uống không có, mua tạm thuốc nhưng huyết áp không hạ. Cuối cùng, người bệnh phải vào cấp cứu vì tăng xông.
Hay có nhiều trường hợp đi du lịch, đi chơi nhưng gặp các vấn đề về ngộ độc thực phẩm, sốt nhưng tại nơi vui chơi không có thuốc sẽ nguy hiểm. Vì vậy, BS Trung cho rằng trong kỳ nghỉ, đi chơi xa, du lịch lâu ngày sẽ có thể gặp vấn đề sức khỏe nên cần mang theo một túi thuốc du lịch phòng thân.
Túi thuốc này cũng có thể dùng để trang bị cho tủ thuốc gia đình. BS Trung cho rằng nếu có bác sĩ theo dõi bệnh, bạn cần liên hệ bác sĩ và chuẩn bị thuốc cho đầy đủ.
Thứ nhất, thuốc kháng sinh bạn nên chuẩn bị augmentin 1gram, 30 viên để phòng nhiễm trùng hô hấp, uống ngày 2 lần/viên, uống trong 5 đến 7 ngày.
Thứ hai, thuốc giảm đau hạ sốt bạn cần mua paracetamol 500 mg dùng giảm đau, hạ sốt thông thường, uống 1 viên. Panadol extra 500 mg mua 3 vỉ uống 1 viên khi cảm và uống đến hết triệu chứng thì dừng, ngày không quá 4 viên.
Thứ ba, thuốc dị ứng để phòng trường hợp dị ứng khi ăn uống thức ăn lạ. Bạn mua telfast 180 mg, mua 10 viên uống 1 viên khi dị ứng, thường uống buổi tối vì có thể gây buồn ngủ cho người uống.
Thứ tư, thuốc phòng tiêu chảy. Bạn mua Smecta, 20 gói uống 1 gói khi tiêu chảy và uống đến khi hết triệu chứng, thuốc uống được cả cho trẻ nhỏ. Lactomin là men đường ruột, uống 1 gói khi bạn có tiêu chảy.
Thứ năm, thuốc đau dạ dày. Với người có tiền sử đau dạ dày bạn cần chuẩn bị sẵn thuốc mang đi. Thuốc omeprazol 20 mg, mua 30 viên uống 1 viên vào buổi sáng nếu có triệu chứng đau dạ dày. Thuốc Motilum M mua 30 viên uống 1 viên khi kèm triệu chứng khó tiêu, buồn nôn.
Thứ sáu, thuốc chóng mặt bạn mua sẵn taganil uống 1 viên khi có triệu chứng chóng mặt.
Thứ bảy, bạn chuẩn bị thêm các dụng cụ sơ cứu y tế để xử lý vết thương khi có tai nạn nhỏ trong chuyến du lịch như băng cá nhân, băng chun 1 cuộc dùng khi trật chân, bong gân, gãy tay. Bạn mua cả thêm betadine, bông tăm rửa vết thương phòng những trầy xước, vết thương do tai nạn trơn trượt, sinh hoạt trong chuyến đi nghỉ mát.
K.Chi