Trung Quốc triển khai trạm viễn thông, khí tượng trái phép tại Hoàng Sa
Trung Quốc triển khai trạm viễn thông, khí tượng trái phép tại Hoàng Sa
>> Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa
>> Bản đồ TQ và quốc tế trước 1909 đều vẽ Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc TQ
Trạm thu phát sóng đài radio và Trạm khí tượng của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (ảnh chụp năm 1940 được đăng trong cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" |
Theo Vietnam+, nhật báo Hải Nam của Trung Quốc số ra ngày 23/7 đưa tin hôm 22/7, Công ty truyền thông mạng liên hợp China Unicom Hải Nam chính thức đưa vào hoạt động Trạm thu phát sóng di động (BTS) 3G trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hôm 19/7, cơ quan khí tượng tỉnh Hải Nam cũng thông báo đã có các thiết bị quan trắc khí tượng bằng rada thế hệ mới trên mặt đất và trên không tại đảo Phú Lâm. Những hành động liên tiếp này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có các hành vi ngang ngược liên quan đến hoạt động vô tuyến viễn thông và khí tượng tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và trong suốt quá trình đó, họ đã liên tục bị Việt Nam cũng như dư luận quốc tế quyết liệt phản đối.
Điều này đã được tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới của Chính phủ nêu rõ trong bài "Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa" đăng trong cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" do UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và NXB Thông tin - Truyền thông xuất bản tháng 1/2012.
Theo đó, trong thời kỳ Pháp thuộc (1884 - 1945), với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại, Cộng hoà Pháp tiếp tục khẳng định, quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, trong đó có các hoạt động liên quan đến lĩnh vực vô tuyến viễn thông và khí tượng.
Ngày 26/11/1937, Pháp đã phái kỹ sư trưởng công chính J.Gauthier ra Hoàng Sa để nghiên cứu tìm địa điểm xây dựng đèn biển, bãi đỗ cho thuỷ phi cơ và các điều kiện định cư ở đảo này.
Năm 1938, Pháp bắt đầu phái các đơn vị bảo an đến các đảo và xây dựng một hải đăng, một trạm khí tượng đặt ở đảo Hoàng Sa và đảo Phú Lâm, một trạm vô tuyến TSF trên đảo Hoàng Sa.
Năm 1949, Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM) chính thức công nhận các trạm khí tượng do Pháp xây dựng và đăng ký vào danh sách các Trạm khí tượng quốc tế với các số hiệu: trạm Phú Lâm số 48859, trạm Hoàng Sa số 48860...
Ngày 9/9/1975, đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Khí tượng Thế giới đã tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa vào hệ thống SYNOP của OMM với ký hiệu 48860 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tháng 6/1980, Hội nghị Khí tượng khu vực Châu Á lần II họp tại Genève, đại biểu Việt Nam tuyên bố trạm khí tượng của Trung Quốc tại Sanhudao (đảo Hoàng Sa của Việt Nam) là bất hợp pháp. Kết quả là trạm khí tượng Hoàng Sa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trong danh sách các trạm khí tượng quốc tế như cũ.
Tháng 12/1981, Tổng cục Bưu điện Việt Nam đã điện cho Chủ tịch Uỷ ban đăng ký tần số tại Genève phản đối việc Trung Quốc được phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tháng 10/1982, tại Hội nghị Toàn quyền của UIT, đại biểu Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc thay đổi phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Genève.
Tháng 1/1983, Hội nghị Hành chính Thế giới về thông tin vô tuyến đã đồng ý xem xét đề nghị của Việt Nam về việc phát sóng trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa tại hội nghị sắp tới.
Tháng 12/1985, Việt Nam phê chuẩn Công ước Nairobi 1982, tuyên bố yêu cầu UIT sửa đổi Phụ lục AER2 của Thể lệ vô tuyến viễn thông, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam, vì vậy Việt Nam không chấp nhận những thay đổi nào có liên quan đến các tần số đã được phân chia ở vùng 6D, 6F, 6G nêu trong biên bản Hội nghị Hành chính Thế giới về thông tin vô tuyến 1978...
HẢI CHÂU (ghi)