Trung Quốc tính cấm trào lưu livestream trổ tài uống rượu
Trung Quốc tính chuyện cấm livestream trổ tài uống rượu vì ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tạo ra trào lưu không lành mạnh trên mạng.
Những video livestream trổ tài uống rượu đang bùng nổ ở Trung Quốc và thu hút hàng triệu người theo dõi. Nhưng thực tế, đây lại là hành động gây ảnh hưởng cực xấu tới sức khỏe con người.
Mặc dù xu hướng làm các video chè chén say sưa đã xuất hiện tại Trung Quốc cách đây vài năm, nhưng thời điểm bùng nổ mới là từ đầu năm ngoái. Theo đó, những người thực hiện livestream liên tục khoe khả năng uống các thức uống có cồn như bia, rượu trắng hay rượu màu.
Trung Quốc tính cấm trào lưu livestream trổ tài uống rượu vì có hại cho sức khỏe. (Ảnh: Sohu) |
Vào năm 2019, một người đàn ông ở Trung Quốc đã tử vong sau khi hàng ngày, người này đều quay video về quá trình uống rượu và các chất trông giống như dầu nấu ăn suốt 3 tháng để kiếm tiền trên mạng.
Trên thực tế, nhiều "sâu rượu" trên mạng đã có tới hàng triệu fan (người hâm mộ) theo dõi thường xuyên.
Một số streamer thực hiện uống rượu với tần suất từ 4 – 5 lần/tuần nhằm duy trì sức nóng nổi tiếng, cũng như để thu hút thêm các fan mới.
Một trong những nữ streamer nổi tiếng sinh sống ở Khu Tự trị Nội Mông có tên Duoduoqimuge còn từng trổ tài tu hết 5 chai bia 620 ml trong 1 lần quay.
Thậm chí, một số người khác còn uống 1 lúc tới 10 chai rượu có độ cồn cao với thể tích 500 ml/chai. Hậu quả, một số streamer bị nôn mửa hoặc bất tỉnh ngay trước máy quay.
Trước đây, chính quyền Trung Quốc đã cấm các streamer thể hiện khả năng ăn “núi đồ ăn” trước mặt hàng triệu fan. Theo đó, từ quý II của năm 2020, hình thức Mukbang (vừa ăn vừa quay video) như trên đã bị cấm vì có hại cho sức khỏe con người và lãng phí thức ăn.
Sau khi một số người đặt câu hỏi nghi ngờ liệu những chai rượu mà streamer uống có phải là rượu mạnh hay không, streamer không ngần ngại dùng bật lửa đốt để chứng minh nồng độ cồn cao trong rượu. Từ đây, người xem yêu cầu streamer đốt lửa để chứng minh nồng độ cồn cao đã trở thành chuyện cơm bữa.
“Tôi không tin, nếu như bạn không đốt thử rượu”, tờ The Beijing Daily còn cho biết, trong một số trường hợp quần áo của streamer bị bắt lửa khi thử nồng độ cồn.
Trong khi đó, có những streamer chọn cách uống ít số lượng rượu hơn nhưng nồng độ rượu lại vào loại cực mạnh. Điển hình, một streamer từng uống hết chai rượu 100 ml có nồng độ cồn trên 55%.
Trong một bài báo đăng hôm 12/4, tờ People’s Daily nhấn mạnh những video livestream chè chén cần phải bị cấm.
Tới ngày 14/4, tờ Guangming Daily khẳng định những video livestream trổ tài uống rượu là hành vi nguy hiểm trên mạng xã hội.
Ông Li Yan, một bác sĩ tại bệnh viện Dongfang Hospital thuộc Đại học Y Bắc Kinh, nhận định so với những livestream trổ tài ăn khỏe, các video khoe khả năng uống rượu còn gây tác hại xấu hơn tới sức khỏe con người.
“Ăn nhiều gây ra tác hại tạm thời như làm dạ dày giãn nở ra. Uống nhiều rượu còn nguy hại hơn khi mà nồng độ cồn trong rượu ảnh hưởng trực tiếp tới các bộ phận trong cơ thể nhất là đối với những người bị cao huyết áp, tiểu đường và mỡ máu”, ông Li cho hay.
Người đàn ông quyết uống cạn chai rượu thừa để được lên xe buýt
Người đàn ông ở Trung Quốc quyết uống cạn chai rượu thừa mang theo để được tài xế cho lên xe buýt.
Minh Thu (lược dịch)