Trung Quốc tặng Campuchia sân vận động trị giá 150 triệu USD
Sân vận động mới được Trung Quốc hoàn thành xây dựng và trao tặng cho Campuchia có tổng kinh phí lên tới 150 triệu USD.
Campuchia vừa tiếp nhận sân vận động hiện đại do Trung Quốc xây dựng và trao tặng có tổng trị giá 150 triệu USD. Món quà Trung Quốc tặng cho Campuchia được cho là nằm trong chiến lược “ngoại giao sân vận động”, và cũng là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng trên khắp thế giới.
Trung Quốc tặng Campuchia Sân vận động Quốc gia Morodok Techno trị giá 150 triệu USD. (Ảnh: Khmer Times) |
Theo tờ Khmer Times, hôm 12/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã chính thức trao tặng Sân vận động Quốc gia Morodok Techno mà Trung Quốc đầu tư kinh phí và xây dựng từ năm 2013 cho Thủ tướng Campuchia Hun Sen.
Tại buổi lễ trao tặng, ông Vương nhấn mạnh Trung Quốc tài trợ cho dự án này Trung Quốc và Campuchia có mối quan hệ mật thiết. Theo kế hoạch, Campuchia sẽ sử dụng sân vận động mới nằm ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh để làm nơi tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 vào năm 2023.
Sân vận động Quốc gia Morodok Techno được thiết kế giống một chiếc thuyền buồm khổng lồ với chiều cao công trình là hơn 98 m, được chia thành 5 tầng với sức chứa 60.000 người.
Chia sẻ với Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho hay sân vận động được thiết kế mô phỏng hình chiếc thuyền buồm là biểu tượng cho quan hệ Trung Quốc và Campuchia. Bởi hàng trăm năm trước, người dân Trung Quốc thường dùng tàu thuyền để di chuyển sang Campuchia.
Bên cạnh đó, hình ảnh các “mũi thuyền” còn tượng trưng cho cách chào hỏi truyền thống của người Campuchia “sampeah”. Theo đó, người dân Campuchia thường chắp hai tay vào nhau, để trước ngực như cầu nguyện trong khi đầu hơi cúi nhẹ để chào hỏi hoặc thể hiện sự tôn trọng với người khác.
Cũng theo Khmer Times, sân vận động mới vô cùng hiện đại với sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, bể bơi quy mô Olympic cùng một đường chạy. Ngoài ra, khuôn viên sân vận động còn có hội trường huấn luyện, phòng gym trong nhà, trung tâm thể thao dưới nước. Ủy ban Tổ chức SEA Games của Campuchia cho hay, Sân vận động Quốc gia Morodok Techno có thể là nơi diễn ra các cuộc thi đấu của nhiều bộ môn như bóng chày, bóng rổ và bóng bàn.
Quá trình xây dựng sân vận động có sự tham gia của 340 kỹ sư Trung Quốc cùng 240 công nhân Campuchia.
“Đây mới chỉ là những trái ngọt đầu mùa trong mùa tăng trưởng của mối quan hệ Trung Quốc – Campuchia vững bền”, tờ Phnom Penh Post dẫn lời Thủ tướng Hun Sen nói trong buổi lễ bàn giao Sân vận động Morodok Techno.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang cho triển khai xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng theo kế hoạch mang tên “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã giúp đỡ nhiều nước xây dựng sân bay, đường bộ, đường thủy và cả sân vận động. Cụ thể theo bản báo cáo năm 2019 của Habitat International, hơn 100 sân vận động ở châu Á, Mỹ La tinh và châu Phi được Trung Quốc xây dựng, thiết kế và tài trợ. Một số nhà nghiên cứu nhận định, đây có thể được xem là chiến thuật “ngoại giao sân vận động” của Trung Quốc.
Riêng tại Campuchia, Trung Quốc đã chi hàng tỉ USD để viện trợ, cho vay và đầu tư. Hai quốc gia đã duy trì mối quan hệ thân thiết suốt nhiều năm.
Thậm chí, Campuchia từng gây tranh cãi khi cho phá bỏ các cơ sở do Mỹ đầu tư xây dựng tại một trong những căn cứ quân sự ở nước này. Động thái của Campuchia được cho liên quan tới Trung Quốc.
Cụ thể, vào năm 2020, Lầu Năm Góc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sau khi nhiều báo cáo cho hay các tòa nhà được Mỹ tài trợ nằm ở căn cứ hải quân Ream đã bị phá bỏ. Căn cứ Ream của Campuchia nằm tại tỉnh Sihanoukville bên bờ vịnh Thái Lan và phía nam Biển Đông.
Phía Mỹ đã yêu cầu Campuchia giải thích rõ sự việc. Tòa nhà bị phá hủy dài 30 m và từng là nơi chứa một số tàu tuần tra cỡ nhỏ.
Tới tháng 10 cùng năm, Campuchia cho biết hoạt động phá bỏ là để mở rộng quy mô và di chuyển cơ sở sang vị trí khác trong căn cứ Ream. Campuchia cũng phủ nhận việc phá bỏ tòa nhà mà Mỹ tài trợ có liên quan tới Trung Quốc. Nhưng điều này là không hợp lý bởi các công trình của Mỹ tại căn cứ Ream mới chỉ hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến năm 2020 lại phải phá dỡ để nâng cấp.
Quan hệ căng thẳng, Mỹ bỏ chương trình đào tạo quân sự cho Campuchia
Mỹ quyết định chấm dứt chương trình đưa sinh viên Campuchia sang đào tạo tại các trường quân sự ở Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)