Trung Quốc điều siêu máy xúc tăng tốc xây dựng gần biên giới Ấn Độ
Quân đội Trung Quốc sử dụng các siêu máy xúc hoạt động trên mọi địa hình để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trên dãy Himalaya nằm gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), những cỗ máy hạng nặng mang tên máy xúc chân nhện có khả năng di chuyển trên mọi địa hình đã xuất hiện trong video hé lộ hình ảnh binh lính Trung Quốc hoạt động trên cao nguyên Tây Tạng bên sông Yarlung Tsangpo, hay Brahmaputra theo cách gọi của Ấn Độ. Đoạn video được Quân khu Tây Tạng của quân đội Trung Quốc công bố hồi tuần trước.
Quân đội Trung Quốc dùng siêu máy xúc tăng tốc xây dựng gần biên giới Ấn Độ. (Ảnh: SCMP) |
Với thiết kế bốn chân thủy lực trên lốp xe và hai phần mở rộng có chân răng cưa, máy xúc chân nhện của Trung Quốc có thể đứng, bước qua chướng ngại vật, đi bộ qua mương và suối, cũng như leo trèo và hoạt động trên địa hình gần như thẳng đứng.
Quân đội Trung Quốc đang sử dụng hai mẫu máy xúc do công ty XCMG Construction Machine ở tỉnh Giang Tô sản xuất. Trong đó, một mẫu máy xúc nặng tới 11 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 10 km/h. Mẫu còn lại có thể được vận hành từ xa mà không cần người lái. Hai máy xúc này được sử dụng cho các hoạt động cứu hộ khẩn cấp của lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cho nâng cấp cơ sở hạ tầng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) kéo dài 3.488 km.
Tuy nhiên, những dự án xây dựng lại đang làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa quân đội Trung - Ấn. Cụ thể, vào năm 2017, quân đội Trung - Ấn từng mặt đối mặt tới 70 ngày tại cao nguyên Doklam. Gần đây nhất, vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan giữa binh sĩ Trung - Ấn khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ tử vong vào ngày 15/6 được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong hơn 50 năm qua. Phía Trung Quốc vẫn giữ bí mật về con số thương vong sau xung đột. Một số nguồn tin cho rằng trong vụ ẩu đả, phía quân đội Trung Quốc đã có tới 43 binh sĩ tử vong.
Dù tướng quân đội hai nước đã đồng thuận rút bớt binh sĩ khỏi khu vực tranh chấp, nhưng hai bên vẫn tiếp tục điều quân tăng cường. Do đó, nhu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng tại vùng biên giới xa xôi hẻo lánh càng trở nên cấp thiết.
Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đường xá và các cơ sở hạ tầng trên “nóc nhà thế giới” không phải là công việc dễ dàng ở độ cao hơn 4.000 m và địa hình hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt.
Ngay cả hoạt động vận chuyển các thiết bị xây dựng hạng nặng tới vùng tiền tuyến cũng là một sứ mệnh nguy hiểm. Điển hình, 2 người bên biên giới Ấn Độ đã bị thương vào ngày 22/6 sau khi cây cầu mà họ lái xe tải đi qua bị sập.
Chiếc xe tải gặp nạn khi đang chở theo một chiếc máy xúc được dùng để xây dựng đường xá từ ngôi làng Milam nhìn hướng sang khu vực Uttarakhand ở biên giới Trung Quốc.
Hiện tại, quân đội Trung Quốc vẫn tăng cường sự hiện diện ở khu vực biên giới với các máy hạng nặng được điều động tới những nơi chưa có đường xá và công việc xây dựng đang được triển khai với tốc độ nhanh chóng.
Các bức ảnh vệ tinh cũng hé lộ hơn 100 chiếc xe tải của Trung Quốc cùng các thiết bị đã có mặt ở cao nguyên Galwan chỉ một ngày trước khi xảy ra vụ đụng độ vào ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Hồ chứa ‘khủng’ của Trung Quốc phải xả lũ lần đầu tiên trong 9 năm
Hồ chứa nước sông Xin'an, một trong những dự án kiểm soát lũ quan trọng của Trung Quốc, đã lần đầu tiên phải xả lũ trong 9 năm vào ngày 7/7.
Minh Thu (lược dịch)