Trung Quốc: Cha mẹ đào mộ con gái và câu chuyện ‘đáng sợ’ phía sau
Một cặp vợ chồng ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc đã đào mộ và lấy thi thể của cô con gái, sau đó bán cho một gia đình khác để làm đám cưới ma.
Theo thông tin được Orient Today đăng tải, cô Kang Cuicui đã tự sát sau lần cãi nhau với người chồng Li Zhong vào năm 2008. Li và gia đình anh này được cho đã chi 15.000 USD cho đám ma của người vợ đã khuất. Theo đó, số trang sức bằng vàng được chôn cùng thi thể người vợ dưới mộ.
Tuy nhiên, vào tháng 11 năm nay, gia đình anh Li phát hiện số vàng và thi thể của người vợ quá cố “không cánh mà bay”.
Chính bố mẹ đẻ của cô Kang đã đào mộ con gái và bán thi thể để thực hiện thủ tục đám cưới ma. (Ảnh Twitter) |
Cảnh sát địa phương đã ngay lập tức cho tiến hành điều tra. Kết quả cho thấy, chính bố mẹ đẻ của cô Kang đã đào mộ, sau đó đánh cắp thi thể và bán với giá 80.000 nhân dân tệ (12.200 USD) cho một gia đình khác. Gia đình mua thi thể của cô Kang từng có người con trai chết trong một vụ tai nạn. Vào thời điểm đó, người con trai chưa lập gia đình. Sau khi mua thi thể cô Kang, họ đã tổ chức nghi lễ Yin Hun hay còn gọi là “đám cưới của người chết” với hy vọng những linh hồn không còn bị cô đơn ở bên kia thế giới.
Theo báo cáo, bố mẹ của cô Kang đã vô cùng tức giận khi biết con rể họ Li chôn thi thể con gái trong một ngôi mộ cô độc.
“Anh di chuyển các ngôi mộ của gia đình mình và để mộ của con gái tôi một mình ở đó. Nếu tôi không thể di chuyển ngôi mộ của con gái mình, tôi sẽ để nó biến mất khỏi đó. Tôi không thể để nó bị cô đơn”, bố mẹ của cô Kang từng nói với người con rể.
Theo truyền thống ở một số địa phương ở Trung Quốc, một ngôi mộ cô độc có thể mang điềm xấu tới cho gia đình người đã mất. Trong khi đó, “đám cưới ma” được cho sẽ đưa tới điềm lành cho cả người sống và người đã khuất.
“Đám cưới ma” hay còn gọi là "minh hôn" (âm hôn) được cho xuất hiện từ thế kỷ 17 trước Công nguyên tại Trung Quốc.
Theo dân gian, nhiều người vẫn tin rằng một chàng trai không may qua đời khi chưa lập gia đình là một điềm xấu. Người đó sẽ vẫn cô đơn ở kiếp sau hoặc linh hồn không siêu thoát, từ đó "ám" vào những người còn sống trong gia đình. Nếu muốn yên ổn, gia đình phải cưới cho người đã chết một cô gái hoặc tổ chức âm hôn.
Chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm hủ tục đám cưới ma vào năm 1949. Tuy nhiên hiện nay, truyền thống này lại tiếp tục có mặt ở một số địa phương. Đáng nói, do lợi nhuận cao, không ít kẻ đã ra tay giết người để làm nguồn cung xác chết hoặc đi đào trộm mộ để đánh cắp thi thể cho hủ tục đám cưới ma.
Xung đột biên giới Trung - Ấn: Không bên nào chịu nhận sai
Sau nhiều tháng xảy ra xung đột ở vùng tranh chấp Ladakh, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau và không bên nào chịu nhận sai.
Minh Thu (lược dịch)