Xung đột biên giới Trung - Ấn: Không bên nào chịu nhận sai
Sau nhiều tháng xảy ra xung đột ở vùng tranh chấp Ladakh, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau và không bên nào chịu nhận sai.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Minister S. Jaishankar một lần nữa lên tiếng cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các thỏa thuận hai bên từng ký kết trong quá khứ và những sự kiện trong năm nay là “sự xáo trộn và làm tăng những mối quan ngại cơ bản”.
Theo ông Jaishankar, những gì đã xảy ra ở bang Ladakh đều không có lợi cho Trung Quốc hay bất cứ ai.
“Phía Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận trong quá khứ, điều này tạo ra tác động nghiêm trọng đối với dư luận Ấn Độ về Trung Quốc. Mối đe dọa thực sự là thiện chí giữa hai bên bị bào mòn. Nhưng tôi tin chúng ta sẽ cải thiện được điều này”, Bộ trưởng Jaishankar phát biểu trong một sự kiện trong tuần.
Quân đội Ấn Độ điều động vũ khí tăng cường tới vùng biên giới tranh chấp hồi tháng Chín. (Ảnh: AP) |
Hôm 11/12, Ấn Độ cũng ra tuyên bố tình hình 6 tháng cuối năm là hậu quả từ những hành động của Trung Quốc, quốc gia đang cố tình tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực Đường Kiểm soát thực (LAC) ở phía đông Ladakh.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ sau một ngày Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa cho rằng, chính Ấn Độ mới là bên phải chịu trách nhiệm để xảy ra tình trạng căng thẳng biên giới ở đông Ladakh.
Cụ thể, vào ngày 10/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ làm xảy ra xung đột ở biên giới. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đáp trả trước những tuyên bố của Bộ trưởng Jaishankar về việc mối quan hệ song phương Trung - Ấn hiện “vô cùng xấu”. Theo đó, Trung Quốc đã gửi Ấn Độ “5 câu giải thích khác nhau” về hành động của quân đội Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp.
Trên thực tế, Trung - Ấn vẫn duy trì hoạt động liên lạc thông qua các đường dây quân sự và ngoại giao. Hai bên cũng hy vọng tăng cường trao đổi để tiến tới ký kết một thỏa thuận nhằm đảm bảo đôi bên cùng rút quân hoàn toàn khỏi tất cả vị trí nằm ở phía tây trên LAC càng sớm càng tốt.
Mối quan hệ giữa Trung - Ấn trở nên vô cùng căng thẳng, kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng Sáu với binh sĩ Trung Quốc khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Ngoài ra, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại LAC, biên giới không chính thức của hai nước trên dãy Himalaya.
Hai bên cũng liên tiếp điều động hàng ngàn binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng tới gần biên giới tranh chấp bất chấp nhiệt độ ở đây xuống dưới 0 độ C vào mùa đông. Điều này làm dấy lên mối quan ngại về khả năng xuất hiện xung đột lớn giữa quân đội Trung - Ấn bất cứ khi nào.
Vũ Hán ra sao sau một năm bắt đầu đại dịch?
Thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đã trở thành điểm nóng lây lan của đại dịch Covid-19 cách đây một năm nay đã trở lại hoạt động bình thường.
Minh Thu (lược dịch)