Trồng sâm dây, hướng xóa đói giảm nghèo của huyện Đắk Glei
Củ sâm dây. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN |
Trong những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã đã áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế nhằm xóa đói, giảm nghèo, trong đó phát triển diện tích cây dược liệu là một hướng đi đúng đắn, mang lại những hiệu quả rõ rệt giúp nâng cao đời sống của bà con dân tộc tại đây.
Theo các số liệu quan trắc, đây là vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây dược liệu, trong đó có các loại cây dược liệu có giá trị cao như: cây sâm dây, đương quy…
Tuy nhiên, do lâu nay đồng bào chủ yếu khai thác mà chưa quan tâm đến công tác bảo vệ, trồng mới nên các loại dược liệu ngày càng cạn kiệt. Trước thực trạng đó, trong những năm gần đây, Hội phụ nữ các xã trong vùng đã vận động người dân tham gia khôi phục, phát triển diện tích cây dược liệu, góp phần bảo tồn nguồn gen quý và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Gia đình chị Y Bia ở xã Mường Hoong trước đây chủ yếu trồng cà phê, bời lời trên diện tích đất rẫy đồi dốc nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình nhiều năm vẫn thuộc diện hộ nghèo.
Từ năm 2015, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ giống sâm dây, chị mạnh dạn phá bỏ cây cà phê chuyển sang trồng gần 1.000 m2. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, sau khi trừ chi phí, gia đình chị đã có lãi. Sau đó, gia đình chị tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích và tập trung thâm canh nên đến nay, tổng thu nhập từ rẫy cây dược liệu của gia đình đã lên đến khoảng 30 - 40 triệu đồng/năm.
Lãnh đạo xã Ngọc Linh cho biết ngày trước, ở đây không ai nghĩ đến chuyện trồng sâm dây bởi cây mọc tự nhiên trong rừng rất nhiều. Dần dà, có nhiều thương lái tìm đến thu mua nên một số hộ gia đình đã kiếm giống ở rừng về trồng trên nương rẫy mình. Do đó phong trào trồng sâm dây phát triển mạnh từ khoảng 2 năm nay, kể từ khi có mô hình của Sở Khoa học - Công nghệ hỗ trợ cho 11 hộ dân ở thôn Tân Rát (xã Ngọc Linh) trồng hơn 2ha sâm dây rồi từ đó bà con đã học hỏi và làm theo nhiều hơn.” - ông A Tiên cho biết.
Chị Y Long - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngọc Linh cho biết: “Từ khi chị em trong xã ý thức được việc trồng cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi vận động chị em vào tổ chức Hội và thành lập các tổ liên kết để giúp nhau trồng sâm dây, sâm đương quy, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo nên diện tích mở rộng và trồng tập trung hơn”.
Chia sẻ về kế hoạch giúp bà con nhân dân trên địa bàn các xã nhân rộng mô hình trồng sâm dây, bà Y Ngọc - Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đăk Glei cho biết, đến nay, huyện Đăk Glei cũng đã giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng xây dựng Đề án hỗ trợ bà con 6 xã phía bắc gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Blô nhân rộng, phát triển và bảo tồn giống cây dược liệu sâm dây. Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2020, đơn vị sẽ tiến hành hỗ trợ bà con các xã phát triển thêm 25ha sâm dây.
Mô hình trồng cây dược liệu là mô hình mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Kon Tum. Mô hình này đã giúp chị em người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh xóa đói, giảm nghèo và đang được nhân rộng trên địa bàn.
Huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông và Đăk Glei là 3/10 huyện, thành phố của tỉnh có diện tích rừng và đất rừng lớn với trên 335.000 ha; khí hậu mát mẻ quanh năm, có rất nhiều loài cây dược liệu tự nhiên sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng, là điều thuận lợi cho việc tiếp nhận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào thử nghiệm, sản xuất một số loại cây dược liệu có năng suất, chất lượng, giá trị cao.
Vì vậy, dược liệu trồng tại Kon Tum hơn hẳn dược liệu cùng loại trồng nơi khác như: Nghệ vàng, Địa liền, Sa nhân, Gừng,…và cả các cây tinh dầu đang có nhu cầu cao trên thị trường như: Hương nhu trắng, Sả, Trà tiên…, đặc biệt là Sâm Ngọc Linh, Bảy lá một hoa, Đảng sâm (Sâm dây), Lan Kim tuyến (Cỏ nhung), Lan Một lá.