Triều Tiên tái mở cửa biên giới, Mỹ - Hàn có cơ hội làm hòa?
Mỹ - Hàn dường như khó có thể hàn gắn quan hệ với Triều Tiên, dù Bình Nhưỡng có động thái tái mở cửa biên giới sau 2 năm phong tỏa.
Giới quan sát ngoại giao Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên có động thái tái mở cửa biên giới sau thời gian dài phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh không đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận lời đề nghị hỗ trợ vắc xin Covid-19 từ phía Mỹ hay Hàn Quốc.
Ngoài ra, hoạt động ở biên giới Triều Tiên được nối lại cũng không có nghĩa tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều, hay quan hệ liên Triều sẽ có dấu hiệu được cải thiện.
Triều Tiên tái mở cửa biên giới khi điều hai đoàn tàu sang thành phố Đan Đông của Trung Quốc. (Ảnh: Yonhap) |
Kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện các ca mắc Covid-19 vào tháng 12/2019, Triều Tiên đã nhanh chóng cho phong tỏa toàn bộ đường biên giới để ngăn chặn dịch bệnh. Song động thái này đã khiến Triều Tiên bị thiệt hại kinh tế nặng nề.
Sau 2 năm đóng cử biên giới, vào ngày 16/1, lần đầu tiên một đoàn tàu của Triều Tiên đã di chuyển qua cây cầu trên sông Áp Lục từ thành phố Sinuiju để tới thành phố Đan Đông của Trung Quốc. Con tàu này đã trở về Triều Tiên vào sáng ngày 17/1 mà khả năng chở theo các nhu yếu phẩm hàng ngày, cùng thuốc men được cho là để phục vụ công tác ngăn chặn dịch Covid-19. Điều này làm dấy lên hy vọng Mỹ và Hàn Quốc có cơ hội vận chuyển vắc xin Covid-19 vào Triều Tiên.
Cũng trong ngày 17/1, thêm một đoàn tàu từ Triều Tiên đã băng qua cây cầu trên sông Áp Lục để tới thành phố Đan Đông chỉ sau ít thời gian đoàn tàu đầu tiên trở về nước.
Trong thời gian qua, bên cạnh những cuộc đối thoại với Mỹ, Hàn Quốc đã liên tiếp công khai đề nghị vận chuyển các loại vắc xin phòng Covid-19 cho quốc gia láng giềng Triều Tiên với hy vọng tái khôi phục quan hệ hai nước.
“Tôi cho rằng, Triều Tiên dường như sẽ từ chối lời đề nghị của Mỹ hoặc Hàn Quốc về việc cung cấp các loại vắc xin Covid-19. Thay vào đó, khả năng Triều Tiên sẽ nhận vắc xin từ Trung Quốc hay chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX”, Korea Times dẫn lời ông Hong Min, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc
Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào cuối tháng 12/2021, Chủ tịch Kim Jong-un đã nhấn mạnh công tác ngăn chặn dịch bệnh khẩn cấp phải là ưu tiên hàng đầu, và là nhiệm vụ quan trọng nhất cần thực hiện mà không được phép lơ là hay xảy ra sai sót.
Trong chỉ đạo mới nhất ngăn chặn dịch bệnh, ông Kim khẳng định “cần phải chuẩn bị nền tảng vật liệu và công nghệ để phòng dịch, đồng thời chuyển sang phòng dịch tiên tiến và theo định hướng con người”.
“Theo những tuyên bố như trên, Triều Tiên đang tập trung vào bình thường hóa hoạt động thương mại với nước ngoài bằng cách mở cửa các đường biên giới, và tìm kiếm sẵn các loại vắc xin, cũng như phương thuốc chống virus”, ông Hong nói.
Cho tới nay, Triều Tiên khẳng định quốc gia này chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào mắc Covid-19. Điều này không có nghĩa Triều Tiên miễn nhiễm với dịch bệnh. Theo đó, Triều Tiên còn rất dễ bị tổn thương với nguy cơ số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, một khi quốc gia này mở cửa hoàn toàn các đường biên giới.
“Dù Triều Tiên đang cần vắc xin và thuốc chống virus, quốc gia này có thể phụ thuộc vào nền tảng phân phố vắc xin toàn cầu và từ Trung Quốc. Khả năng thấp là Hàn Quốc và Mỹ có thể cung cấp vắc xin cho Triều Tiên”, ông Hong nói thêm.
Các cuộc đàm phán hạt nhân và mối quan hệ liên Triều đã bị ngưng trệ, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 2/2019 giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim bị thất bại.
Một số chuyên gia cho rằng hoạt động trở lại của các đường biên giới có thể mở đường cho Triều Tiên hàn gắn quan hệ với Hàn Quốc và Mỹ.
Song ông Hong lại không cho như vậy. “Tôi nghĩ Triều Tiên tách biệt công tác phòng dịch Covid-19 với chuyện cải thiện quan hệ với Mỹ hoặc Hàn Quốc. Triều Tiên đang tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ bằng các loại vũ khí chiến thuật, do đó không logic khi Bình Nhưỡng chìa cành oliu cho Mỹ hoặc Hàn Quốc”.
Hôm 17/1, Triều Tiên tiếp tục cho phóng thử 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ sân bay Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng. Trước đây, Triều Tiên từng sử dụng sân bay này để thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 vào năm 2017.
Trong vòng chưa đầy 2 tuần, Triều Tiên đã cho thực hiện 3 vụ thử nghiệm tên lửa. Đây là tần suất chưa từng có. Hai vụ phóng trước đây liên quan tới “tên lửa siêu thanh”. Vụ phóng gần nhất là vào ngày 14/1, Triều Tiên cho phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ toa tàu hỏa. Tính riêng trong tháng Một, Triều Tiên đã thực hiện 4 vụ phóng tên lửa.
Triều Tiên phóng 2 tên lửa từ sân bay, điều thêm đoàn tàu tới biên giới Trung Quốc
Vào sáng nay, Triều Tiên vừa cho phóng thử 2 tên lửa từ sân bay ở Bình Nhưỡng, vừa cử thêm một đoàn tàu sang thành phố biên giới của Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)