Triều Tiên phóng 2 tên lửa hành trình có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân
Hôm nay (13/10), truyền thông Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng thử 2 tên lửa hành trình chiến lược tầm xa vào ngày 12/10. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vụ phóng là cuộc thử nghiệm xác nhận độ tin cậy và khả năng hoạt động của các loại vũ khí có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân đã được chuyển giao cho các đơn vị quân sự.
“Vụ phóng thử nghiệm diễn ra vào ngày 12/10 và nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu cùng năng lực của các tên lửa hành trình đã chuyển giao cho quân đội Triều Tiên để phục vụ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”, KCNA nhấn mạnh.
Theo KCNA, 2 tên lửa hành trình tầm xa được phóng vào ngày 12/10 đã bay trong khoảng thời gian 10.234 giây, và “tấn công mục tiêu nằm cách xa 2.000 km”.
Cũng theo KCNA, Chủ tịch Kim nhấn mạnh Triều Tiên “cần tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động của các lực lượng hạt nhân chiến lược để ngăn chặn triệt để những cuộc khủng hoảng quân sự và chiến tranh tiềm tàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Trước đó, vào ngày 10/10, KCNA đưa tin ông Kim từng chỉ đạo cuộc tập trận chiến thuật hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc cách đây 2 tuần. Đây là động thái đáp trả cuộc tập trận chung hải quân do quân đội Mỹ - Hàn tiến hành có sự tham gia của tàu sân bay Mỹ.
Triều Tiên thực hiện vụ phóng thử tên lửa hành trình “chiến lược” đầu tiên vào tháng 9/2021. Vào thời điểm đó, các nhà phân tích cho rằng khả năng đây là loại vũ khí đầu tiên của Bình Nhưỡng có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Hiện chưa rõ Triều Tiên có thể thu nhỏ hơn các đầu đạn hạt nhân để tích hợp lên tên lửa hành trình hay không.
Đáng nói, tên lửa hành trình đang nằm trong số hàng loạt vũ khí quy mô nhỏ được Triều Tiên phát triển thời gian gần đây với khả năng bay tầm thấp và cơ động hơn, gây khó cho các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.
Hồi năm ngoái, ông Kim đã ra tuyên bố phát triển các loại đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ là mục tiêu hàng đầu. Giới chức Hàn Quốc nhận định nếu Triều Tiên nối lại các vụ thử hạt nhân, việc phát triển những đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ hơn chính là mục tiêu.
Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tên lửa hành trình của Triều Tiên không nằm trong danh mục bị cấm thử nghiệm giống như tên lửa đạn đạo.
Nhưng giới phân tích khẳng định các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể trang bị cả đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân vẫn có khả năng gây bất ổn trong hoàn cảnh xảy ra xung đột, bởi không ai biết rõ được loại đầu đạn tích hợp trên 2 tên lửa này.
Còn theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, vụ phóng tên lửa đạn đạo từ dưới hồ nước mới đây của Triều Tiên mang tính chính trị nhiều hơn là ứng dụng quân sự
Chương trình phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới của Triều Tiên khiến một số quan chức Hàn Quốc kêu gọi chính phủ tái triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, hoặc để Seoul rời khỏi Hiệp ước chống phổ biến các loại vũ khí hạt nhân để tiến tới tự xây dựng kho hạt nhân quốc gia.
Minh Thu (lược dịch)