Trí tuệ nhân tạo đe dọa công ăn việc làm của 28 triệu lao động ASEAN
ASEAN Post đưa tin, bản báo cáo mang tên "Công nghệ và Tương lai nghề nghiệp tại ASEAN" do hãng công nghệ Cisco của Mỹ tiến hành dự báo, trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực phần mềm, phần cứng và robot sẽ làm thay đổi viễn cảnh việc làm của 6 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất khối ASEAN (ASEAN 6) vào năm 2028.
Trí tuệ nhân tạo đe dọa công ăn việc làm của 28 triệu lao động ASEAN. (Ảnh minh họa) |
Nói cách khác, trong số 630 triệu dân thuộc nhóm ASEAN 6, vào 10 năm tới, sẽ có 28 triệu lao động (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) bị ảnh hưởng công việc vì hoạt động ứng dụng AI.
Trong đó, nông nghiệp chính là lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất với 6,6 triệu lao động được cho dư thừa vào năm 2028. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng lao động nông nghiệp có tay nghề cùng lao động phổ thông cũng sẽ giảm bởi những công việc này dần được công nghệ thay thế.
Tuy nhiên, do sản lượng gia tăng cùng giá thành giảm nhờ áp dụng công nghệ sẽ tạo ra những nhu cầu tuyển dụng mới trong một số lĩnh vực như buôn sỉ lẻ, chế tạo, xây dựng và vận tải.
Việc thị trường lao động biến đổi sẽ kéo theo những yêu cầu về kỹ năng đối với người lao động thay đổi. Theo bản nghiên cứu của Cisco, 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa “hoàn toàn” thiếu kỹ năng IT để chuyển sang công việc mới. Trong khi đó, 30% bị đánh giá thiếu “kỹ năng tương tác” như đàm phán, thuyết phục, chăm sóc khách hàng. Thậm chí, hơn 25% bị xếp vào thiếu “kỹ năng cơ bản” như chủ động học hỏi, đọc và viết.
Để khắc phục tình trạng này, các nước nằm trong nhóm ASEAN 6 cần thi hành thay đổi chính sách toàn diện đối với hệ thống giáo dục. Cụ thể, các nhóm ban ngành chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, những nhà cung cấp công nghệ cùng công nhân phải được trang bị những kỹ năng và công cụ cần thiết để thích ứng với thời kỳ chuyển giao.
Ông Kiran Karunakaran, một đối tác của công ty tư vấn Delta Partners từng nhận định rằng, việc áp dụng AI đi kèm cả lòng tin và rủi ro. Trong bối cảnh AI trở nên ngày càng thông minh, càng có nhiều thiết bị ứng dụng công nghệ này. Điều này sẽ ảnh hưởng tới những ngành nghề vốn chỉ đòi hỏi kỹ thuật thấp thì nay chuyển sang áp dụng công nghệ cao để tăng giá thành cũng như năng suất.
Ngay cả những nước thích nghi nhanh với công nghệ, việc làm tại các trung tâm liên lạc hay Dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Philippines là thị trường sẽ cảm nhận được rõ nhất những tác động này và theo sau là Thái Lan và Indonesia”, ông Karunakaran chia sẻ.
Cũng theo ông Karunakaran, chính phủ các nước nên chuyển hướng ứng dụng AI trong các hệ thống phân phối năng lượng, chăm sóc y tế và sản xuất thực phẩm.
Singapore được dự đoán sẽ thừa tới 500.000 nhân lực vào năm 2028 do quá trình thay đổi kỹ thuật số. Con số này chiếm tới 21% lực lượng lao động của Singapore.
Trong khi đó, AI được dự báo sẽ thay thế 7,5 triệu lao động tại Việt Nam và 4,9 triệu lao động tại Thái Lan vào năm 2028. Tỷ lệ này tương đương với 13,8% lao động Việt Nam và 11,9% lao động Thái Lan. Trong đó, phần lớn lao động thất nghiệp tập trung vào những ngành nghề đơn giản, năng suất thấp mà chủ yếu là nông nghiệp.
Còn tại Indonesia và Philippines, số lượng người thất nghiệp do tác động của AI sẽ thấp hơn do 2 quốc gia này quá thừa nguồn nhân lực giá rẻ, khiến họ sẽ khó có thể thích ứng và triển khai ứng dụng công nghệ.
Riêng tại Cambodia, quốc gia mà ngành dệt may và da giày chiếm tới 90% hoạt động xuất khẩu, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa được dự báo sẽ ảnh hưởng tới hơn 600.000 lao động.