Trẻ nằm ngửa ngủ không sâu nhưng là tư thế ngủ an toàn nhất
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, các bác sĩ từng cấp cứu một trường hợp thứ nhất là một bé trai khoẻ mạnh, sau khi ăn được cho nằm ngủ một mình trong phòng, khi gia đình phát hiện thì lúc này trẻ đang nằm úp mặt xuống đệm và tím tái. Ngay lập tức trẻ được gia đình đưa đến viện gần nhà cấp cứu ngừng tuần hoàn và trẻ có nhịp tim trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Trẻ vào khoa Cấp cứu và Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Trường hợp thứ hai là một bé gái 3 tháng tuổi, ở Hà Nội, cũng vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim. Theo cha mẹ của bé, con được ngủ cùng bố mẹ. Đến nửa đêm khi mẹ tỉnh dậy phát hiện trẻ trong tình trạng tím tái toàn thân, không thở.
Cả hai trẻ được cho là bị chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh. Các bác sĩ cho rằng tư thế ngủ của trẻ vô cùng quan trọng vì nó có thể là yếu tố tăng đột tử ở trẻ. Hội chứng này xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước, khiến đột tử ở trẻ nhỏ trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình.
Thạc sĩ, bác sĩ Lâm Mỹ Huyền - Khoa Hồi sức sơ sinh, BV Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh cho biết giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với trẻ nhưng nếu sơ ý, trẻ ngủ sai tư thế sẽ nguy hiểm thậm chí gây đột tử cho trẻ.
Theo bác sĩ Huyền trẻ sơ sinh em bé ngủ từ 14 đến 17h /ngày, thậm chí trẻ ngủ tới 18 – 19h một ngày. Nhưng giai đoạn trẻ dưới 12 tháng khi khủ có thể gây ra đột tử nếu tư thế, môi trường xung quanh giấc ngủ của bé không tốt.
Tư thế ngủ an toàn cho trẻ khỏe mạnh à trẻ nằm ngửa. Thạc sĩ Huyền nhấn mạnh đây là tư thế an toàn nhất. Tuy nhiên, nhiều bé có tư thế ngủ nghiêng, hay nằm úp sấp nhưng tư thế này không tốt. Khi trẻ nằm tư thế nằm nghiêng trẻ có nguy cơ đổi thành tư thế nằm sấp. Đây là tư thế có nguy cơ đột tử cao nhất ở trẻ nhũ nhi.
Với một số trường hợp trẻ có chỉ định về y tế như bất thường đường hô hấp trên, trẻ có thể được chỉ định y khoa nằm sấp khi ngủ nhưng trẻ cần được chăm sóc nhiều, cho trẻ nằm trên mặt phẳng cứng, hạn chế vật dụng trên giường.
Trẻ nên nằm ngửa vì tư thế nằm ngửa đường thở của trẻ ở trên, đường thực quản nằm dưới nếu trẻ có trớ sữa lên thì cũng ít có nguy cơ vào đường thở. Nếu sữa tràn đường thở thì trẻ có phản xạ ho để tống sữa sặc ra. Nếu trẻ nằm sấp đường thở phía dưới, thực quản phía trên khi trẻ trớ sữa thì sữa dễ tràn vào đường thở của trẻ, gây nguy hiểm cho trẻ. Ngay cả với trẻ sinh non bác sĩ Huyền cũng khuyến cáo trẻ nên nằm ngửa. Một số trẻ có thể được nhân viên y tế cho nằm sấp nhưng trẻ có phương tiện đánh giá, theo dõi tình trạng của trẻ. Khi trẻ có đường hô hấp ổn định trẻ sẽ nằm ngửa.
Khi trẻ nằm ngửa cha mẹ thấy trẻ không ngủ sâu hơn nằm sấp hay nằm nghiêng nhưng nằm sấp ngủ sâu dễ rơi vào tình trạng đột tử khi ngủ ở trẻ nhũ nhi. Tốt nhất để trẻ ngủ sâu ở tư thế an toàn nằm ngửa mẹ bé nên cho con ngậm ti giả. Để giấc ngủ của trẻ an toàn: BS Huyền khuyến cáo khi trẻ sơ sinh ngủ cùng cha mẹ, trẻ cần nằm ngủ ở mặt phẳng chắc chắn, không nên nằm chung đệm với người lớn. Cha mẹ cần theo dõi giấc ngủ của con tránh bất thường trong giấc ngủ. Không trùm đầu trẻ. Đặt trẻ nằm trên tấm đệm ít bị trũng xuống. Không sử dụng gối, đồ chơi nhồi bông, chăn có nhiều lông hoặc quá lớn ở khu vực cũi/giường của trẻ.
Khánh Chi