Trâu "đổi đời" nhờ làm du lịch
Du lịch phát triển, nhiều chú trâu "đổi đời" do được trọng dụng để phục vụ du khách. Thơm tho và sạch sẽ, không còn lam lũ như xưa.
Khi nhắc đến trâu, ắt hẳn đa số mọi người đều nghĩ đến những chú trâu lam lũ, người đầy bùn đất đang cày ngoài đồng. Dưới cái nắng chói chang, những chú trâu ấy phải ra sức làm việc để giúp cho người nông được mùa màng bội thu.
Nhưng tạiHội An, có những chú trâu không cần phải phơi mình dưới nắng để cày bừa lam lũ. Không còn "cực như trâu, khổ như trâu" nữa. Bản thân những chú trâu này luôn được tắm rửa sạch sẽ, thơm tho. Và hơn hết, nhiều ưu đãi dành cho trâu giống như "khách VIP".
Do đâu những chú trâu này được đối đãi tốt đến vậy? Là bởi trong những năm qua ngành du lịch Hội An đang phát triển theo hướng xanh, làm du lịch gắn liền với nông nghiệp. Do vậy, những chú trâu này được chọn để phục vụ khách du lịch, chỉ việc “biểu diễn” để du khách có thể hiểu rõ hơn về ngành nông nghiệp của địa phương.
Những chú trâu được chọn làm du lịch phải trải qua một thời gian huấn luyện lâu dài.
Trong một lần dẫn trâu ra biểu diễn, ông Phạm Hò –trú thông Võng Nhi (xã Cẩm Thanh) cho biết để trâu phục vụ được du khách là cả một quá trình lâu dài. Theo ông Hò, quá trình lựa chọn trâu bắt đầu từ khi trâu còn nhỏ mang về huấn luyện đến khi hình thành thói quen mới được đem ra để phục vụ du khách.
"Trâu dùng để phục vụ, biểu diễn cần phải thật sạch sẽ, thơm tho. Có như vậy khách du lịch mới đồng ý trả tiền cho dịch vụ. Trâu càng sạch càng thơm sẽ càng được trả nhiều tiền. Nhờ con trâu, cánh đồng, lão nông như tôi cũng đỡ phần nhọc nhằn hơn so với làm nông khi làm dịch vụ du lịch", ông Phạm Hò nói.
Trải nghiệm tour du lịch thú vị này, chị Rhonda Adams – quốc tịch Mỹ không giấu khỏi sự ngạc nhiên về độ nhanh nhạy và hoạt bát của chú trâu của "lão Hò". Chị Rhonda Adams cho biết đây là lần đầu tiên chị thấy một chú trâu có thể nghe lời người nông dân, mềm mại di chuyển dưới cánh đồng và lại còn biết cười.
"Tôi đã trải nghiệm tour cởi trâu và xe trâu của Jack Tran Tours. Tôi và con gái tôi thích thú vô cùng. Chúng tôi đã gặp gỡ chú nông dân và con trâu của ông ấy. Cô trâu rất dễ thương, hiền hậu và tôi đã cởi em trâu ấy quanh đồng. Tôi và con gái tôi cũng đã đi xe trâu trên cánh đồng xanh mát và chụp được nhiều ảnh rất đẹp. Tôi sẵn sàng giới thiệu tour này đến tất cả du khách khi đến thăm Hội An. Đây là tour mà người nông dân dùng con trâu của minh để kiếm sống từ du lịch. Đây là năm con trâu, tôi chúc cho mọi người một năm mới sức khỏe và làm ăn phát đạt", chị Rhonda Adams thích thú nhận xét.
Du khách thích thú trải nghiệm tour du lịch trâu tại Hội An.
Nói về chuyện trâu làm du lịch, tại Hội An cũng như Quảng Nam người "bắn phát súng đầu tiên" chính là ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty Jack Trần Tours Hội An. Bắt đầu từ năm 2010, ông Khoa đã nghĩ đến việc phát triển du lịch bền vững, hướng đến du lịch xanh, kết hợp làm du lịch với nông nghiệp.
"Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn bởi trước đó, người nông dân không tin rằng con trâu và sào ruộng có thể tạo ra được nhiều lợi nhuận từ du lịch hơn là trồng trọt. Bản thân tôi phải tốn rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân trong việc cho thuê trâu và ruộng đồng để phục vụ du khách", ông Trần Văn Khoa nói.
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc công ty Jack Trần Tours Hội An, người tiên phong đưa con trâu vào du lịch Hội An.
Cũng theo ông Khoa, việc thuê ruộng và trâu vẫn thực hiện đúng cam kết, tuy nhiên người nông dân vẫn được sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất ấy. Không những vậy, những lão nông ấy cũng được ông Khoa nhận trực tiếp vào công ty để làm giống như một người hướng dẫn viên thực thụ.
"Kinh tế từ nông nghiệp người nông dân vẫn được hưởng lợi, thêm phần tiền lương từ công ty cộng với phần công biểu diễn, người nông dân có một nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. Nguồn thu từ du lịch nhiều hơn so với việc sản xuất nông nghiệp gấp nhiều lần nên nhiều người cũng được đổi đời theo trâu", ông Khoa hóm hỉnh chia sẻ.
Là một người làm du lịch, vị giám đốc này bày tỏ sự hy vọng tràn đầy vào sự ra đời của vắc-xin chống COVID-19. Bởi sự hoành hành của dịch bệnh đã làm ngành du lịch tê liệt suốt một năm qua. Ông Trần Văn Khoa ví rằng trong năm Tân Sửu ai cũng sẽ "khỏe mạnh như trâu, ăn như trâu và bền bỉ như trâu" để kinh tế phục hồi lại như xưa.
Năm Sửu nói về “nghề ” nuôi trâu ở miền Tây
Thị trường vẫn còn nhu cầu mua bán, nghề nuôi trâu ở miền Tây sông nước vẫn sẽ còn bởi nghề này mang lại cho các gia đình co cuộc sống ổn định, thậm chí có người giàu lên nhờ nghề này...
Theo enternews.vn