Tranh cãi vụ xông hơi cổ họng để chữa Covid-19 ở Ấn Độ
Đoạn video gây tranh cãi trên mạng xã hội Ấn Độ cho thấy, nhiều người xếp hàng chờ tới lượt để xông hơi cổ họng với hy vọng điều trị và ngăn nguy cơ mắc Covid-19.
Hình ảnh trong đoạn video cho thấy, ba người đàn ông ngồi trên ghế nhựa, phía trước là các thanh kim loại dẫn hơi nóng. Họ ngồi gần thanh dẫn hơi nóng và há miệng rộng để hơi nóng xông vào cổ họng. Đây được cho là hành động nhằm “điều trị hoặc ngăn chặn nguy cơ mắc Covid-19”.
Nhiều người dùng mạng Twitter cho hay, sự việc diễn ra ở thành phố Pune thuộc bang Maharashtra của Ấn Độ. Trong khi đó, giới chức địa phương cho biết đang tiến hành điều tra và xác minh đoạn video.
“Chúng tôi đã xem đoạn video. Hiện tại, chúng tôi chưa thể xác định liệu đoạn video này có phải được quay ở thành phố Pune”, một quan chức địa phương chia sẻ với Sputnik.
Cũng theo vị quan chức này, đoạn video đang được phòng công nghệ thông tin của thành phố Pune xác minh.
“Chúng tôi sẽ nhờ cảnh sát hỗ trợ để điều tra về đoạn video”, vị quan chức nói thêm.
Tuy nhiên, một số người dùng mạng xã hội Ấn Độ lại cho rằng, đoạn video được quay tại thành phố Ahmedabad ở bang Gujarat.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra lời cảnh báo về việc dùng liệu pháp xông hơn trong điều trị Covid-19, sau khi một số tin giả lan truyền trên mạng xã hội.
Thậm chí, một số người còn tung tin cho thêm một số thành phần vào nồi nước nóng để tạo thành hơi rồi xông cổ họng sẽ mang lại hiệu quả tốt trong việc ngăn chặn virus corona chủng mới.
“Xông hơi không phải là phương pháp điều trị Covid-19 và đây không phải là biện pháp an toàn. Thậm chí, một số trường hợp còn gây bỏng. Không ai biết hơi nước nóng bao nhiêu độ và nó cũng khộng thể diệt virus trong người bệnh”, WHO tuyên bố.
Chính quyền Ấn Độ cũng đã ra thông báo về việc những người tung tin đồn, tin thất thiệt trên mạng về các phương pháp ngăn chặn và điều trị Covid-19 sẽ bị pháp luật trừng trị bao gồm cả hình phạt ngồi tù.
Thành phố Pune đang chứng kiến số ca mới mắc Covid-19 tăng nhanh chóng trong vài tuần gần đây. Pune cũng là khu vực có số ca mắc Covid-19 lớn hơn nhiều so với các thành phố khác của Ấn Độ. Tính tới ngày 22/9, thành phố này ghi nhận 250.000 ca mắc Covid-19.
Theo số liệu từ Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ, quốc gia này hiện có hơn 966.000 người mắc Covid-19 và 91.149 người đã tử vong.
Quân đội Ấn Độ dùng lạc đà tuần tra biên giới tranh chấp với Trung Quốc
Quân đội Ấn Độ sẽ sử dụng lạc đà tham gia công tác tuần tra dọc biên giới đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)