Quân đội Ấn Độ dùng lạc đà tuần tra biên giới tranh chấp với Trung Quốc
Quân đội Ấn Độ sẽ sử dụng lạc đà tham gia công tác tuần tra dọc biên giới đang xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.
Hôm 21/9, Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ cho biết, quân đội Ấn Độ sẽ sử dụng những chú lạc đà Bactrian hay còn gọi là lạc đà hai bướu để hỗ trợ hoạt động tuần tra ở Ladakh, khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp căng thẳng giữa Trung - Ấn.
“Lạc đà có thể mang theo khối lượng hàng hóa lên tới 170 kg và di chuyển trên quãng đường tuần tra dài 12 km ở khu vực có độ cao trên 5.180 m. Trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như vậy, chỉ có lạc đà mới chịu được. Chúng vẫn có thể sống sót dù ít được ăn và uống nước trong vòng 3 ngày”, Tiến sĩ Prabhuprasad Sarnghi tại Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng Ấn Độ cho hay.
Thông thường, quân đội Ấn Độ sử dụng con la để làm công tác vận chuyển trên các khu vực có độ cao lớn. Nhưng la chỉ có thể chở theo số hàng hóa nặng khoảng 40 kg.
Căng thẳng Trung - Ấn bùng phát trở lại trong vài tháng gần đây, sau các vụ va chạm của binh sĩ hai nước ở vùng biên.
Các tướng chỉ huy quân sự Trung - Ấn đã nhóm họp hôm 22/9 để bàn về giải pháp hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới tranh chấp. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng đã gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Moscow. Cả Bắc Kinh và New Delhi đồng thuận “nhanh chóng giải tán” binh sĩ đang hiện diện ở dọc biên giới tranh chấp.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) đưa tin, theo thông cáo chung được chính phủ Ấn Độ công bố hôm 22/9, sau cuộc gặp của các tướng quân đội Trung - Ấn vào ngày 21/9 ở Moldo, khu vực do Trung Quốc kiểm soát tại Đường Kiểm soát thực tế (LAC), hai nước đã đồng thuận dừng điều động thêm binh sĩ tới khu vực tranh chấp biên giới trên dãy núi Himalaya, cũng như tránh động thái làm phức tạp thêm tình hình.
Cụ thể, theo thông cáo, hai bên đã nhất trí “tránh những hành động gây hiểu nhầm và sai trái, tránh những hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng trên mặt đấy. Hai bên đồng thuận tổ chức vòng đàm phán thứ 7 của Cuộc họp cấp chỉ huy quân đoàn vào thời gian sớm nhất có thể”.
Thời gian gần đây, hàng ngàn binh sĩ Trung - Ấn đã có mặt dọc biên giới tranh chấp ở vùng Ladakh. Sau nhiều tuần xảy ra căng thẳng, một vụ đụng độ đẫm máu đã xảy ra vào ngày 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, trong khi Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Ngoài ra, binh sĩ hai nước đã ít nhất 2 lần va chạm và cáo buộc nhau là thủ phạm bắn chỉ thiên, phá vỡ thỏa thuận không sử dụng súng trong bán kính 2 km tại LAC. Hồi tháng Tám, binh sĩ Trung - Ấn cũng đã xảy ra va chạm ở Chushul, khu vực nằm gần với địa điểm quan chức hai bên nhóm họp hôm 21/9.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng, khi nhiều nguồn tin tiết lộ binh sĩ Trung - Ấn đang hoạt động chỉ cách nhau vài trăm mét ở một số khu vực biên giới. Đáng nói, hai bên còn tăng cường triển khai công tác hậu cần để phục vụ cho cuộc đối đầu biên giới kéo dài.
Trung - Ấn vẫn chưa thể giải quyết những tranh chấp biên giới ở bang Arunachal Pradesh và bang Ladakh. Dù đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại về vấn đề này, nhưng cho tới nay, tranh chấp chủ quyền biên giới giữa hai nước vẫn là đề tài nóng chưa có cách giải quyết.
Trong những ngày gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ còn liên tục đổ lỗi cho nhau trái phép vượt qua LAC nằm giữa khu vực Ladakh do Ấn Độ quản lý và Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát. LAC có chiều dài 4.057 km là khu vực xảy ra tranh chấp giữa Trung - Ấn trong hàng thập niên qua.
Ấn Độ muốn Trung Quốc 'đến trước, rút trước' ở biên giới tranh chấp
Liên quan tới căng thẳng ở biên giới, Ấn Độ vẫn muốn Trung Quốc là bên có hành động nhượng bộ trước vì Bắc Kinh được cho là nguồn cơn khơi mào xung đột.
Minh Thu (lược dịch)