Tranh cãi quy định cấm học sinh để tóc dài, chơi với bạn khác giới
Nhiều quy định của các trường ở Trung Quốc gây tranh cãi khi cấm học sinh để tóc dài, hoặc cấm chơi với bạn khác giới để chuyên tâm vào việc học.
Một trường cấp 2 tại Trung Quốc cấm học sinh để “những kiểu tóc kỳ quái” như để tóc dài với nam và nữ sinh, tóc mái dài, tóc mullet và tóc mái thưa. Bởi những kiểu tóc này bị xem là “gây rắc rối”, và ảnh hưởng tới điểm số học tập của học sinh.
Theo truyền thông địa phương, tóc dài bị cấm và được thi hành trong tuần này đối với học sinh tại Trường cấp 2 Wenchang ở thành phố Định Châu của tỉnh Hà Bắc.
Ngôi trường cấp 2 ở Trung Quốc gây tranh cãi vì cấm nữ sinh để tóc dài. (Ảnh: SCMP) |
Trong văn bản được ban hành, nhà trường nhấn mạnh tất cả học sinh bị cấm để những kiểu tóc “kỳ quái”, tóc dài và tóc mái dài. Các em cũng bị cấm nhuộm tóc, hoặc uốn tóc và không được đeo phụ kiện tóc, theo The Paper.
Lệnh cấm của nhà trường đã nhận được hơn 10 triệu lượt xem trên ứng dụng Douyin và trở thành đề tài tranh luận gay gắt.
Ngoài ra, nhà trường còn cho công bố hình ảnh những kiểu tóc được chấp thuận cho thấy mặt trước, mặt sau, hai bên của kiểu tóc nhằm giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về quy định “các kiểu tóc được tiêu chuẩn hóa”.
Theo đó, nam sinh bị cấm để tóc mai dài hay cắt kiểu mullet. Nữ sinh phải cắt tóc trên vai và không được để mái dài.
Một giáo viên giấu tên tại trường cho hay, quy định về độ dài và kiểu tóc đã được thực hiện tại cơ sở giáo dục này trong nhiều năm qua.
“Điều chúng tôi lo lắng là mái tóc dài sẽ ảnh hưởng tới chuyện học tập của học sinh”, nam giáo viên nói với The Paper.
“Một số học sinh ban đầu không thích chuyện bị cấm, nhưng sau những nố lực thuyết phục của chúng tôi, cả học sinh và phụ huynh đều chấp hành các quy định”, người này nói thêm.
Theo nam giáo viên, nhiều ngôi trường khác ở thành phố Định Châu cũng ban hành quy định tương tự về mái tóc của học sinh.
“Nữ sinh thích trưng diện và có xu hướng để tóc dài. Nhưng chuyện này lại gây rắc rối mỗi khi gội đầu. Hơn nữa, tóc mái dài còn che vào mắt và ảnh hưởng tới chuyện học”, nam giáo viên cho hay.
Người này thừa nhận một số học sinh đã không tuân thủ quy định khi vẫn đến trường với mái tóc đã nhuộm màu và uốn. Song những học sinh tham gia các hoạt động như nhảy múa và biểu diễn nghệ thuật có thể được miễn thực hiện quy định về mái tóc.
Một giáo viên khác thuộc ban tuyển sinh của Trường cấp 2 Wenchang cho biết, các quy định về kiểu tóc đã được ban hành lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm, bởi nhà trường nhận thấy có quá nhiều rắc rối khi nữ sinh để tóc dài.
Dư luận Trung Quốc cũng chia phe khi đưa ra bình luận về quy định đối với mái tóc của học sinh.
“Thật quá đáng. Nhà trường nên xem xét đến cảm nhận của nữ sinh”, một bình luận viết trên Baidu.
“Tôi đến cạn lời. Tôi không thể hiểu được yêu cầu này. Không cò gì sai trái khi nữ sinh để tóc dài như buộc tóc kiểu đuôi ngựa để thể hiện vẻ đẹp của tuổi trẻ”, một người khác chia sẻ quan điểm.
Nhưng nhiều người đồng quan điểm với nhà trường, và nhấn mạnh vai trò của cơ sở giáo dục là chuẩn bị cho tương lai của con trẻ.
“Tôi nghĩ không có vấn đề gì với quy định này. Mọi chuyện hoàn thành đều phải có quy tắc và tiêu chuẩn”, một cư dân mạng cao tuổi cho hay.
Chuyện các trường học ở Trung Quốc cho thi hành hàng loạt quy định khắt khe để cố gắng hướng học sinh dành toàn bộ thời gian và sức lực cho chuyện học không phải là hiếm.
Điển hình, một số trường học còn cấm nam sinh và nữ sinh ở riêng với nhau, hoặc tới gần ở khoảng cách 0,8m vì lo sợ các em dễ nảy sinh tình cảm yêu đương.
Hàng loạt trường học khác cấm học sinh nói chuyện hoặc chơi với các bạn cùng lớp trong giờ nghỉ giải lao, và khoảng thời gian này chỉ được dùng để đi vệ sinh.
Nữ sinh cấp 2 bị nhà trường kỷ luật vì đăng ảnh selfie
Việc nữ sinh cấp 2 bị nhà trường kỷ luật vì đăng ảnh selfie lên mạng xã hội dù đang trong kỳ nghỉ hè khiến cư dân mạng tranh luận gay gắt.
Giáo sư Đại học Trung Quốc bị phát hiện dùng bằng giả
Nữ Giáo sư tại một trường Đại học nổi tiếng ở Trung Quốc đang bị nghi ngờ về trình độ học vấn sau khi bị phát hiện dùng bằng Tiến sĩ giả.
Minh Thu (lược dịch)