“Trăng hát” và những thử nghiệm sân khấu táo bạo lần đầu tiên ở Việt Nam

Gã “phù thủy” Đặng Xuân Trường coi việc thiết kế sân khấu, ánh sáng cho live concert “Trăng hát” của ca sĩ Phạm Thùy Dung là một cuộc chơi mới đầy hứng khởi trên hành trình sáng tạo.

Dù Đặng Xuân Trường đã “lăn lộn” với nghệ thuật hàng chục năm, “chinh chiến” trên nhiều lĩnh vực (từ nhiếp ảnh, điện ảnh tới hội họa, nghệ thuật biểu diễn…) với không ít thành công vang dội, nhưng khi làm live-concert “Trăng hát” của ca sỹ Phạm Thùy Dung (diễn ra tối 29/9 tại Nhà hát Lớn), anh vẫn có cảm giác choáng ngợp.

Ca sỹ Phạm Thùy Dung.

Anh đã chia sẻ với chúng tôi về những điều đặc biệt và cả những thách thức phải đối mặt khi hợp tác trong live-concert “Trăng hát” của ca sĩ Phạm Thùy Dung.

“Chưa ai làm như thế”

Với chủ đề của concert là “Trăng hát”, anh sẽ thiết kế bối cảnh, tạo dựng không gian cho “Trăng hát” như thế nào?

Khi nhận lời êkíp của Phạm Thùy Dung, tôi quyết định sử dụng ngay ánh sáng của trăng để làm màu sắc chủ đạo cho sân khấu. Tôi cho rằng, với giọng hát trong veo như của Phạm Thùy Dung, concert lại mang tên “Trăng hát”, thì việc sử dụng sắc trắng làm màu sắc tổng thể sẽ khá thú vị.

Đạo diễn Đặng Xuân Trường.

Ngoài ra, tôi sử dụng các sắp đặt hai bên cánh gà để gợi liên tưởng tới những lớp sóng. Những sắp đặt này mang tính ẩn dụ cao khi kết hợp với ánh sáng và hiệu ứng của “visual art” (nghệ thuật thị giác - PV).

Bên cạnh đó, toàn bộ nhạc công của Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời cũng mặc đồ trắng để tạo thành một tổng thể chung. Màu trắng ấy là cả một khoảng để cho khán giả liên tưởng tốt hơn. Nó sẽ tương tác với hình ảnh, ánh sáng để sức lan tỏa của âm nhạc tốt hơn, đạt tới mức độ cao nhất.

Trên tổng thể đó, ca sĩ biểu diễn sẽ mặc đồ riêng với phối màu khác để tạo điểm nhấn.

Cái khó cho êkíp thiết kế sân khấu, ánh sáng là vừa phải đảm bảo tính tôn nghiêm, quy chuẩn, hàn lâm của dàn nhạc giao hưởng, vừa đảm bảo tính hiện đại cho ca sĩ và các phần trình diễn ca khúc. Tất cả phải đảm bảo hài hòa để cho ngôn ngữ âm nhạc lên tiếng. Bao giờ cũng thế, nghệ thuật phải phục vụ tâm trí trước, sau đó mới phục vụ mắt nhìn.

Chủ đề “Trăng hát” gợi liên tưởng tới không gian mênh mang, uyển chuyển. Hơn nữa, sân khấu lại được thiết kế với sắc trắng chủ đạo. Vậy, anh sẽ lựa chọn chất liệu gì để phù hợp với không gian bay bổng đó?

Sân khấu Nhà hát Lớn sẽ được phủ màu trắng hoàn toàn bằng vải canvas - loại vải thường được các họa sỹ dùng làm toan vẽ tranh sơn dầu. Đây là điều chưa ai từng làm ở Việt Nam.

Họp báo liveconcert Trăng hát của ca sỹ Phạm Thùy Dung.

Thông thường, khi thiết kế sân khấu cho các đêm nhạc, người ta sẽ dùng thảm (với các màu: đỏ, ghi, xanh...). Tuy nhiên, khi đã chọn sắc trắng làm màu chủ đạo của sân khấu thì chỉ có chất liệu vải canvas mới lột tả được hết ý đồ nghệ thuật. Nếu tôi sử dụng một chất liệu khác (như mica…) thì sẽ không phù hợp với không gian sang trọng của âm nhạc thính phòng và tính tôn nghiêm, bác học, hàn lâm của dàn nhạc giao hưởng.

Ngoài ra, chất liệu vải canvas cũng nhằm đảm bảo yếu tố an toàn cho ca sĩ khi biểu diễn. Với tôi, yếu tố an toàn luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Tôi có một nguyên tắc làm việc, ở tất cả các khâu (lắp đặt, thi công…), người thực hiện đều phải có ý thức bảo vệ môi trường. Tất cả vật liệu đều phải là vật liệu tái sử dụng. Tôi không đồng ý việc sử dụng vật liệu chỉ dùng một lần, sản phẩm nhựa hủy hoại môi trường. Các loại túi cũng phải là túi giấy. Mọi thứ phải làm sao để thân thiện nhất với môi trường và cả êkíp phải có ý thức trong việc này.

“Nghệ thuật phải thiếu thiếu một chút xíu thì mới thú vị

Mỗi chương trình do anh thiết kế đều cho thấy những sáng tạo riêng. Điều này được thể hiện trong “Trăng hát” như thế nào?

Thứ nhất, đó là việc sử dụng màu trắng. Có lẽ, chưa sân khấu nào dám làm toàn bộ bằng màu trắng như vậy. Khác biệt và thách thức hơn nữa đến từ kết cấu của chương trình. “Trăng hát” có cả nhạc cổ điển thế giới, nhạc Việt Nam và nhạc giao thoa. Từ đó, bài toán đặt ra là phải làm sao phối trộn hài hòa các yếu tố để không tạo ra độ vênh; chỉ cần một chi tiết phụ kém thôi thì giá trị tổng thể sẽ kém đi.

Nếu “Trăng hát” là một buổi diễn hòa nhạc cổ điển thì không quá khó để làm vì các chương trình hòa nhạc có một quy chuẩn về vị trí dàn nhạc, ánh sáng…. Thế nhưng, đây lại là một live concert với nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau. Cái khó cho êkíp là vừa đảm bảo tính tôn nghiêm, quy chuẩn của dàn nhạc vừa đảm bảo tính hiện đại cho ca sĩ và các ca khúc. Tất cả phải hài hòa, để cho ngôn ngữ âm nhạc lên tiếng.

Bao giờ cũng thế, nghệ thuật phải phục vụ tâm trí trước, sau đó mới phục vụ mắt sau.

Ý anh đang muốn nói đến sự hoàn hảo, bởi anh vốn là một đạo diễn rất khắt khe trong nghề?

Không, ý tôi nói không phải là hoàn hảo nhưng nó phải đẹp, hài hòa. Nghe “hoàn hảo”, tôi có cảm giác hơi chán vì tròn trịa quá!

Rõ ràng, nghệ thuật phải thiếu thiếu một chút xíu gì đó thì mới thú vị. Cũng giống như việc khi tạo các khối sắp đặt hai bên cánh gà, tôi luôn yêu cầu: làm mặt trước 10 thì mặt sau cũng phải đảm bảo 7, 8 phần như mặt trước. Thậm chí, nếu đủ kinh phí, tôi sẵn sàng làm mặt sau y như mặt trước, tức là tất cả cùng được 10. Tôi không đồng tình suy nghĩ rằng, khán giả không nhìn thấy mặt sau thì có thể làm à uôm cho xong.

Hình ảnh mặt sau có tác động trực tiếp đến các nhạc công đang chơi live trên sân khấu. Tôi muốn rằng, khi đi qua các khối ấy, nhìn phía đằng sau, nhạc công thấy được sự nghiêm túc của êkíp để họ có nguồn cảm hứng chơi trên sân khấu. Đây là lần đầu tiên tôi làm một sân khấu toàn màu trắng và chắc chắn sẽ không lặp lại nữa!

Khi “Trăng hát” khép lại, anh hy vọng khán giả sẽ nhớ gì?

Dĩ nhiên là cô ca sĩ, ngoài ra thì có dàn nhạc.

Phạm Thùy Dung tập luyện cùng Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời.

Còn với thiết kế sân khấu của tôi, tôi sẵn sàng đón nhận cả những luồng ý kiến trái chiều và thuận chiều. Với mỗi liveshow, thường tôi là người về cuối cùng. Tôi không lên sân khấu mà đi cửa sau. Lúc đấy, tôi ngồi uống cốc nước, hít thở không khí, lòng thanh thản nhẹ nhõm vì đã đi xong một đoạn đường với những thách thức, trải nghiệm mới.

Dĩ nhiên, chương trình thành công là hạnh phúc. Còn ngược lại, nó cũng sẽ làm cho mình buồn chút xíu. Nhưng tôi không bao giờ vì những nỗi buồn đó mà bị suy sụp. Tôi cho qua rất nhanh. Với nghệ thuật, cả người làm và người nghe đều đòi hỏi phải có những trải nghiệm. Người làm ra và người đến xem phải cùng có trải nghiệm thì mới hay được. Với phản hồi của những người chưa có trải nghiệm thì chúng ta đừng nên quan tâm.

Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ chân thành, thẳng thắn này!

Phương Dung
Từ khóa: Trăng Hát Phạm Thùy Dung visual art

Đặc sản ‘ăn tươi nuốt sống' ở Ninh Bình chấm loại nước sốt đọc trẹo miệng

Dù được chế biến từ nguyên liệu tươi sống, không qua công đoạn làm chín nào nhưng đặc sản gỏi nhệch nức tiếng Ninh Bình vẫn hút khách thưởng thức bởi phần thịt dai giòn, vị ngọt dịu, ăn cùng hàng chục loại lá và nước chấm sánh quyện đặc trưng.

"Phố Sách cuối tuần" góp phần nâng cao văn hóa đọc

“Phố Sách cuối tuần” là một sáng kiến, chương trình mới nhằm phát huy hiệu quả không gian văn hóa đọc tại Phố sách, góp phần nâng cao văn hóa đọc của Hà Nội.

Giới trẻ nên đọc sách như thế nào?

Nhiều gợi ý hay về việc đọc sách, văn hóa đọc của giới trẻ đã được chia sẻ tại chương trình giao lưu trong khuôn khổ “Phiên chợ Khuyến đọc” tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách làm rõ vai trò của Thái sư Lưu Cơ trong lịch sử

Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn và phát hành giúp công chúng hiểu rõ hơn vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ, những đóng góp của ông với các triều đại Đinh, Tiền Lê và giai đoạn đầu thời Lý.

Thị trường sách nói còn nhiều khó khăn

Thị trường sách nói ở Việt Nam đã từng bước phát triển, song vẫn còn không ít khó khăn, cần sớm được khắc phục để có thêm kênh lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Trưng bày sách góp phần phát triển văn hóa đọc và tình đoàn kết Việt - Lào

Chương trình Trưng bày, giới thiệu sách nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào (1962 - 2022) được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ngày 24/12 tại TP.HCM.

Xây dựng nhiều đầu sách khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường

Định hướng đến năm 2025 sẽ xây dựng nhiều đầu sách, bộ sách giá trị khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá, vươn lên trở thành nước phát triển.

Đưa thư viện 1.000 cuốn sách và không gian sách 4.0 đến điểm trường vùng cao

Công trình “Thư viện 1000 cuốn sách và không gian sách 4.0” là dự án được xây dựng để duy trì, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, thúc đẩy việc tiếp cận tri thức cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.

Những cuốn sách truyền cảm hứng sống tích cực cho giới trẻ

Bộ ấn phẩm Chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII gồm những cuốn sách lan tỏa và truyền cảm hứng sống tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là cho các Đoàn viên, thanh niên, học sinh.

“Cẩm nang” về công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân

Lễ giới thiệu cuốn sách “Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong Công an nhân dân theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” vừa diễn ra sáng 8/12 tại Hà Nội.

Đang cập nhật dữ liệu !