Trần Huy Liệu: Một nhà nho ưu thời
Năm 2016 là năm kỉ niệm 115 năm Ngày sinh GS Trần Huy Liệu (1901-1969) Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền (tiền thân của Bộ Thông tin & Truyền thông ngày nay), Chủ tịch đầu tiên của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Đức. Nhìn lại cuộc đời của ông, bên cạnh một con người đại tài, đại trí ông còn là một nhà nho ưu thời mẫn thế, một nhà báo cấp tiến, một nhân chứng của lịch sử bên cạnh vai trò người viết sử.
Con người không an phận với thời cuộc
Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu sinh ngày 5/11/1901 tại làng Vân Cát (huyện Vụ Bản, Nam Định), trong một gia đình Nho học truyền thống (làng Vân Cát cũng chính là nơi có Phủ Giầy và hội chợ Viềng vào ngày 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm). Trong cuộc đời làm báo của mình, ngoài bút danh Nam Kiều, ông còn có các bút hiệu khác là Đẩu Nam, Hải Khánh, Ẩm Hân Kiếm Bút và Gôi Vị (non Gôi – sông Vị, hai biểu tượng của tỉnh Nam Định-PV).
Trần Huy Liệu sinh ra ở một vùng quê nghèo, nơi sản sinh nhiều văn nhân, chính khách của tỉnh Nam Định. Thời trai trẻ, Trần Huy Liệu được biết đến là người ham học hỏi, hiểu biết sâu rộng và không chịu chấp nhận thời cuộc. Theo TSKH Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: “Gia đình Trần Huy Liệu vào loại có chữ trong vùng, bố ông dạy học, anh trai theo cử nghiệp và tham gia Phong trào Duy Tân. Nếu Nho học không thất thế, hẳn Trần Huy Liệu đã đỗ đạt, cũng làm một ông quan thanh liêm, cũng có khi bất đắc chí lại lui về ở ẩn làm thơ như những nhà nho đương thời khi ấy”.
Thực tế, không cam chịu với thời cuộc, ở cái buổi Ta - Tây - Tàu sơ giao, Trần Huy Liệu cũng ra tỉnh nhằm thi thố tài năng, với mong muốn lập thân, lập nghiệp, mang sức mọn chí trai giúp nước, cứu đời. Cái tâm niệm giữa thời cuộc mà bất cứ thanh niên yêu nước nào khi ấy có chút chữ thánh hiền đều nằm lòng là “Tịnh khẩu, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, Trần Huy Liệu cũng không là ngoại lệ. Khi chưa tìm được đường đi cho mình, ông cũng loay hoay tìm đường. Ban đầu, Trần Huy Liệu đắm đuối với học thuyết Khang – Lương (Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, hai học giả canh tân của Trung Quốc cùng thời-PV) nhưng rồi ông nhận ra là “chẳng giúp được gì cho ai”.
Vẫn cái chí khí của một sĩ phu Bắc Hà, ngoài 20 tuổi, Trần Huy Liệu lặn lội vào Nam làm báo, nơi có nền báo chí khá cởi mở, không khí thuộc địa ít tù túng hơn ngoài Bắc. Rũ bỏ tư tưởng cũ, Trần Huy Liệu lại lao vào học từ đầu, và tự hành những kiến thức và thuyết lý của phương Tây. Lúc này trong ông là sự pha trộn của Hán học, Tây học, Chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, Chủ nghĩa Mác – Lê Nin đang manh nha tại châu Á… Ở lĩnh vực nào ông cũng uyên bác và tìm hiểu cặn kẽ rồi kiến giải theo tư duy và nhân sinh quan của riêng mình.
“Tháng 6/1927, Trần Huy Liệu bị Pháp bắt, kết án tù vì có chân trong các tổ chức yêu nước, cụ thể là Quốc dân đảng. Năm 1928, ông thành lập Cường học thư xã chuyên xuất bản sách cổ vũ tinh thần yêu nước, nâng cao dân trí. Từ đây ông chính thức dấn thân vào con đường cách mạng, với tâm thế của một nhà nho. Tháng 8/1928, ông tiếp tục bị Pháp bắt, bị kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, ông có cơ hội tiếp xúc với những người tù cộng sản, trong đó có Ngô Gia Tự. Từ đây, ông tuyên bố li khai Quốc dân đảng, tự nguyện đứng vào hàng ngũ những người cộng sản. Có thể coi, đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời Trần Huy Liệu”, TS Vũ Minh Giang phân tích.
Năm 1935, Trần Huy Liệu ra tù, bị trục xuất ra Bắc. Năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 10/1939, ông lại bị Pháp bắt, đày đi Nhà tù Sơn La và Nghĩa Lộ. Tháng 3/1945, ông tham gia phá trại giam Nghĩa Lộ, vượt ngục trở về Hà Nội. Tháng 8/1945, ông dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào và được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, rồi làm Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời. Có thể thấy, trong số các thành viên Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa được thành lập ngày 28/8/1945, nhìn qua có thể thấy ngoài Trần Huy Liệu còn có rất nhiều nhà nho bước lên vũ đài chính trị như: Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Tố…
Báo chí nâng bước tư tưởng
Phân tích bước chuyển biến về tư tưởng trong con người Trần Huy Liệu, nhà văn, nhà báo Trần Chiến – con trai Giáo sư Trần Huy Liệu trong bài viết về cha mình nhân dịp kỉ niệm 110 năm Ngày sinh Trần Huy Liệu năm 2015 chia sẻ: “Những năm 1920, khi bức bách với không khí ngột ngạt của xã hội miền Bắc, khi chưa tìm được đường đi cho mình, thì việc cha tôi vào Nam, tham gia làm báo và tiếp xúc với chủ nghĩa cộng sản ở trong tù đã thay đổi căn bản nhận thức của ông”. Thực tế, những năm 1920 tại Sài Gòn, Trần Huy Liệu vừa học vừa hành, ông nhanh chóng trở thành nhà báo có cỡ, nhân vật quan trọng của phong trào thanh niên trí thức tiểu tư sản khi ấy.
Trong cuốn hồi kí hay Tự kiểm thảo được ông xuất bản năm 1952, Trần Huy Liệu cũng từng chia sẻ về thời thanh niên của mình: Sinh vào thời buổi giao thời Ta – Tây – Tàu, khi chưa tìm được lý tưởng sống và hướng đi cho mình, năm 1924, Trần Huy Liệu vào Nam tham gia làm báo tại các tờ Nông cổ mín đàm, Rạng đông và làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo. Do có tư tưởng tân tiến, rất nhiều bài viết đấu tranh chống thói hư tật xấu của chế độ thực dân Pháp, chế độ áp bức bóc lột nhân dân ta của Trần Huy Liệu nhanh chóng trở thành một cái gai đối với chính quyền thực dân Pháp. Có thể nói, trong thời kì này, báo chí đã nâng bước và cổ vũ Trần Huy Liệu dấn thân, nói ra những tâm tư và bức xúc của mình trước thời thế thông qua các trang viết. Điều này khác hẳn với các nhà nho cùng thời và trước đó, khi họ bất lực, cáo lão về quê ở ẩn và xa rời thế cuộc.
Giáo sư Trần Huy Liệu là “con người thế kỷ”, bởi cuộc đời ông từ khi trưởng thành tới cuối đời đều gắn bó với những sự kiện, nhân vật, các phong trào chính yếu nhất của khoảng 50 năm Việt Nam nhận đường. |
Khi nói về cha mình, nhà văn, nhà báo Trần Chiến chia sẻ: Về phương diện nhà thơ, ông là người sung mãn tình cảm. Về phương diện chính trị, ông có tầm nhìn nhân sinh quan riêng. Về sử học, ông là người viết sử và cũng đồng thời là một nhân chứng lịch sử. Về phương diện tình cảm, ông là một kẻ phiêu lưu. Về phương diện báo chí, ông là nhà báo có tư tưởng tân tiến, nhưng dưới góc nhìn của một nhà nho, ông cũng là con người ưu thời và chưa bao giờ ngừng tìm kiếm những giá trị cho riêng mình. “Nói đúng như các nhà sử học khi nhận xét về cha tôi, con người Trần Huy Liệu là một con người tìm kiếm. Và thực tế, ông đã luôn phải đi tìm một cái gì đó trong cuộc sống 68 năm căng thẳng của mình, chẳng thỏa mãn gì cả và cũng không có thời gian cho sự nhàn tản, yên hưởng”, nhà báo Trần Chiến nói.
Những dự định còn dang dở
Theo TSKH Vũ Minh Giang, Giáo sư Trần Huy Liệu là “con người thế kỷ”, bởi cuộc đời ông từ khi trưởng thành tới cuối đời đều gắn bó với những sự kiện, nhân vật, các phong trào chính yếu nhất của khoảng 50 năm Việt Nam nhận đường. Bản thân cuộc đời ông cũng có những thăng trầm mà theo nhiều người đánh giá là không hề nhàn tản cho tới tận những ngày cuối đời. Nói về ông, nhiều người đều đồng quan điểm: “Trần Huy Liệu nhặt nhạnh cần cù và mê say, kiến thức tích cóp được lớn dần và không thể rơi rụng, những gì được đẻ ra đều là giá trị thực. Và dù làm ở bất cứ vị trí nào, những đóng góp của ông đều rất có giá trị không thể phủ nhận”.
Riêng với vai trò nhà sử học, Trần Huy Liệu làm sử từ bao giờ, khó mà nói chính xác. Tuy nhiên, ông là một con người dân tộc. Tác phẩm “Sơ thảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam” xuất bản những năm 1950 được coi như dấu mốc ông bước vào giới sử học. Nhưng cuốn “Lịch sử 80 năm chống Pháp” mới là tác phẩm đồ sộ nhất và cũng là tác phẩm ông tâm huyết nhất. Thật khó để rạch ròi vị thế người viết sử cũng như vai trò nhân chứng lịch sử của ông, bởi cuộc đời Trần Huy Liệu gắn hầu hết với những sự kiện, nhân vật, trào lưu khá tiêu biểu của Việt Nam 50 năm đầu thế kỉ 20.
Năm 1945, ông được biết đến với vai trò Bộ trưởng Bộ Thông tin, Tuyên truyền đầu tiên của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh lập nên. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ: Chính trị cục trưởng trong Quân sự Ủy viên hội, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Trưởng Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa trực thuộc Trung ương Đảng. Rồi ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Viện trưởng Viện Sử học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Ngày 28/7/1969, Giáo sư Trần Huy Liệu mất tại Hà Nội, hưởng thọ 68 tuổi trong khi còn rất nhiều dự định dang dở và những ước mơ còn chưa thực hiện xong.