Trận đánh khốc liệt cuối cùng trước cửa ngõ Sài Gòn
Trận quyết đánh cuối cùng
Đã 41 năm nhưng cho đến nay, hình ảnh về trận đánh cuối cùng tại cửa ngõ Sài Gòn vẫn còn nguyên trong tâm trí của những người cựu binh đã trực tiếp tham gia trận đánh đó. Ông Nguyễn Việt Kiều (ngày đó là Thượng uý, Tiểu đoàn phó Sư đoàn 325) kể lại: “Trên sông Cát Lái, quân ta gặp phải sự kháng cự dữ dội từ các chốt hỏa lực của quân địch phía bên kia sông. Đồng chí Tâm (ngày đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325) đã hạ lệnh vượt sông bằng sức mạnh, theo đó các đơn vị pháo binh liên tục nã đạn sang bờ bên kia để yểm trợ các đơn vị bộ binh vượt sông Cát Lái”.
Trước đó, một trận đánh ác liệt đã diễn ra tại Trường Sĩ quan Thiết giáp quân đội VNCH thuộc căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai). “Sư đoàn 325 đã phải tách ra hành quân xuống Vũng Tàu để chiếm đánh Cần Giờ. Sư đoàn 304 ở lại nhận nhiệm vụ đánh khu Nước Trong mở đường cho quân giải phóng”, ông Kiều kể lại về trận đánh đó. Cũng theo lời kể của ông Kiều, Sư đoàn 325 sau khi giải phóng Vũng Tàu thì được lệnh quay ngược về Sài Gòn hỗ trợ Sư đoàn 304 đánh tan chốt chặn cuối cùng của quân địch là căn cứ Nước Trong. Và đúng buổi sáng 30/4/1975, trước sự siết chặt của các cánh quân giải phóng, căn cứ Nước Trong chính thức bị tiêu diệt. Tại trận đánh đó, tổn thất của quân giải phóng miền Nam cũng không hề nhỏ, đặc biệt là trên sông Cát Lái và Trường Sĩ quan Thiết giáp quân đội VNCH.
Cũng có mặt tại nhà ông Kiều, Đại tá Trần Văn Tàu (thuộc Đại đội 6, Sư đoàn 304) người trực tiếp chiến đấu 4 ngày đêm đánh chiếm căn cứ Nước Trong nhớ lại: “Ngày đó, ông Kiều (ông Nguyễn Việt Kiều – PV) rẽ ngang xuống giải phóng Vũng Tàu, để tôi lại đánh căn cứ Nước Trong, giờ may mắn vẫn ngồi đây uống nước với nhau”. Theo lời kể của ông Tàu, Trường Sĩ quan Thiết giáp quân đội VNCH thuộc căn cứ Nước Trong là trận đánh khốc liệt nhất, Sư đoàn 304 vốn là đơn vị thiện chiến đã bách chiến bách thắng từ chiến dịch Huế - Đà Nẵng, nhưng tại trận đánh này đã phải mất 4 ngày đêm mới chính thức tiêu diệt được cứ điểm của địch.
![]() |
Trận đánh năm xưa vẫn vẹn nguyên trong ký ức ông Kiều và ông Tàu. |
Theo tài liệu ghi chép lại, ngày 26/4/1975, Sư đoàn 304 tấn công trường Sĩ quan Thiết giáp. 17h cùng ngày, lệnh tấn công được phát ra, hàng ngàn trái đạn pháo của ta trút xuống đầu quân địch. Tranh thủ thời gian pháo bắn, cán bộ chiến sĩ Đại đội 6 nhanh chóng tiến sát mục tiêu, tiêu diệt toàn bộ các tiền đồn của quân địch.
Tiếp đó, lực lượng chủ lực đã sử dụng bộc phá mở tung nhiều lớp hàng rào để toàn đơn vị tiến vào bên trong đánh thẳng vào Sở chỉ huy của Trường Thiết giáp, tiêu diệt 3 xe tăng, hàng chục hỏa điểm địch chống trả quyết liệt cũng bị tiêu diệt, bắt hơn 30 tù binh. Trận đánh trên kéo dài đến 1h30 sáng 27/4 quân ta mới làm chủ được khu vực trường Thiết giáp. Từ thời điểm đó cho đến 17h ngày 28/4/1975, quân địch điên cuồng tấn công hòng chiếm lại trường Thiết giáp nhưng Sư đoàn 304 đã lập chốt phòng ngự chống lại sự phản công tái chiếm của quân đối phương. Hơn 17h ngày 28/4/1975, Đại đội 6 nhận nhiệm vụ mật tập, luồn ra chiếm chốt khu vực ngã ba Thái Lan (đường từ căn cứ Nước Trong nối đường 15, một hướng đi Vũng Tàu, một hướng đi Long Thành) bởi đây là một trong những đường tiếp tế của quân địch. Đúng sáng ngày 29/4/1975, toàn bộ lực lượng Sư đoàn 304 đồng loạt phản công quân đội chế độ cũ từ nhiều hướng, trong đó Đại đội 6 bất ngờ áp sát đã đánh tan các ổ phục kích, hoả lực, xe tăng, xe bọc thép của đội hình quân địch, khiến đối phương bất ngờ rối loạn và tháo chạy. Phòng tuyến phía Đông của quân VNCH Sài Gòn chính thức bị sụp đổ. Sau đó, Đại đội 6 tiến lên chiếm chốt tại cầu sông Buông (Long Thành, Đồng Nai) và giữ vững chốt chặn này.
Đến khoảng gần 12h trưa ngày 29/4/1975, một mũi xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) tiến đến yêu cầu Đại đội 6 phối hợp chiến đấu bởi trong quá trình tháo chạy, quân VNCH đã đánh sập cầu Buông để cản đường quân Giải phóng. “Sau quá trình dài chiến đấu và giành chiến thắng, Đại đội 6 bị tổn thất, thương vong nặng nề, đạn dược, tư trang sử dụng quá nửa, lương thực không còn. Trong khi đó, phía đơn vị xe tăng lại không có bộ binh phối hợp chiến đấu nên trong bối cảnh đó, 2 đơn vị đã tự hợp thành mũi tấn công đột kích cảm tử tiến đánh vào Dinh Độc Lập”, ông Tàu kể lại.
Khoảng 16h đến 17h ngày 29/4/1975, trước sự bắn trả dữ dội, mũi tấn công vẫn đánh chiếm được cầu Đồng Nai. Đến 0h sáng 30/4, quân địch dùng xe tăng và bộ binh tái chiếm lại cầu, mũi tiến công đã kiên cường chặn đánh không cho quân VNCH Sài Gòn tái chiếm thêm. Đến mờ sáng 30/4/1975, từ cầu Đồng Nai, một mũi đột kích tiến đến đánh chiếm ngã ba Thủ Đức, quân VNCH Sài Gòn bất ngờ hoảng sợ vừa chống trả, vừa quăng mũ áo bỏ chạy. Hơn 7h sáng 30/4/1975, mũi tấn công đánh chiếm được phía Đông cầu Thị Nghè (cầu Sài Gòn), tại đây, quân địch từ thế chủ động bị dồn thành bị động nên đã điên cuồng chống trả bằng hoả lực mạnh. Nhằm cản đường tiến công của quân giải phóng, quân địch tiếp tục tìm đủ mọi cách để đánh sập cầu, nhưng pháo binh và hỏa lực của quân Giải phóng đã đánh tan âm mưu đó.
Đến 9h sáng 30/4/1975, mũi tiến công tiếp tục tiến hành vượt cầu Thị Nghè tiến vào thành phố, tiêu diệt tàn quân VNCH đã co cụm lại tại ngã tư Hàng Xanh. Đến đúng 10h45 phút, xe tăng của mũi tiến công đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập khống chế nội các chính quyền Sài Gòn cũ, chính thức giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những nhân chứng lịch sử thời bình
Hoà bình lập lại, trở về với cuộc sống thường ngày. Ít ai ngờ rằng, Tiểu đoàn phó Nguyễn Việt Kiều và Đại tá Trần Văn Tàu – 2 người đàn ông vẫn ngày ngày đạp xe đến nhà nhau ngồi uống nước hàn huyên đã từng dẫn 2 mũi quân đánh tan chốt chặn cuối cùng của chính quyền Sài Gòn. “Kể lại thì kể thôi chứ nhiều chi tiết tôi cũng không nhớ rõ lắm, do trong này vẫn còn mấy mảnh bom của địch”, ông Tàu chỉ vào phần đầu vẫn còn nguyên những vết sẹo và một vài mảnh bom đạn còn găm lại từ thời chiến tranh.
![]() |
Sư đoàn 304 có mặt tại Dinh Độc lập sáng 30/4. Trong ảnh: Tàn quân VNCH tập trung trước Dinh Độc lập trước sự giám sát của quân giải phóng |
Còn ông Kiều may mắn hơn khi không bị di chứng chiến tranh. Ngồi cạnh người vợ Hoàng Thị Lụa – cô thanh niên xung phong ngày nào, ông Kiều kể: “Năm 1969 tôi bị thương, phải chuyển ra Bắc chữa trị, tôi quen và lập gia đình với bà Lụa. Sau khi có một người con trai, cả hai chúng tôi gửi con lại cho ông bà nội rồi cùng lên đường vào Nam”.
Ánh mắt của những người cựu binh sáng lên vẻ hào hùng khi nhắc lại thời kỳ đó. Còn bà Lụa thì vẫn nhớ như in câu nói của chồng sau khi kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng: “Trận tới giải phóng miền Nam tôi đi không biết còn hay mất”. Hình dung được sự khốc liệt của chiến trường sắp tới, cô thanh niên xung phong Hoàng Thị Lụa đành chấp nhận quay trở ra Bắc để trợ giúp gia đình.
Mỗi lần ngồi lại với nhau, những người chiến sĩ năm xưa vẫn luôn cảm ơn những đồng đội đã ngã xuống để họ có được sự may mắn như ngày hôm nay.