Trầm cảm, stress hậu Covid-19, người đến khám bệnh tâm thần tăng
Mất việc làm, thu nhập giảm sút, sang chấn tâm lý, trầm cảm, stress gia tăng. Tại bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, người rối loạn lo âu trầm cảm mức độ vừa và nặng đến khám đã tăng thêm hàng trăm người trong 3 tháng qua
Gia tăng người mắc bệnh trầm cảm sau đại dịch Covid-19. |
Sau dịch, tăng thêm hàng trăm người lo âu trầm cảm
TS.BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương biết, sau đại dịch, ngay cả trong bối cảnh được bảo vệ tốt, dập dịch nhanh thì hầu hết mọi người đều trải nghiệm tâm trạng căng thẳng, nhưng chủ yếu chỉ là thoáng qua, khó ngủ, ngủ ngắn hơn. Điều cần lưu ý nhất là các vấn đề rối loạn stress sau sang chấn và trầm cảm nặng.
Tại bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, khảo sát mô hình bệnh tật người bệnh đến khám tại khoa khám bệnh cho thấy rối loạn lo âu trầm cảm mức độ vừa và nặng đã tăng thêm hàng trăm người trong 3 tháng qua, so với thời điểm trước đợt dịch.
Đây là kết quả thu được từ những người chủ động đến viện khám, trong khi thực tế có thể nhiều hơn bởi nhiều người không tự nhận biết, không được phát hiện hoặc nhầm lẫn trầm cảm với các bệnh khác.
TS.BS Trần Thị Hồng Thu cũng như các chuyên gia sức khoẻ tâm thần lo lắng là khó khăn kinh tế do đại dịch có mối liên hệ chặt chẽ giữa thất nghiệp, biến động kinh tế với việc tự tử và sử dụng chất kích thích. Các vụ tự tử và tử vong do dùng thuốc quá liều có thể tăng.
TS. BS Trần Thị Hồng Thu, PGĐ BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương |
Đặc biệt, dịch bệnh lan tràn tạo ra một loạt những tổn thương tâm lý và xã hội. Nỗi ám ảnh thường đeo đẳng người bệnh hàng tuần, tháng, thậm chí nhiều năm.
“Do đó, rất cần những nghiên cứu dự báo về thực trạng sức khỏe tâm thần, kết quả sẽ cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch hệ thống y tế. Sàng lọc bệnh nhân có ý định tự tử, điều trị bệnh tâm thần tiềm ẩn là một nhu cầu thiết thực, từ đó góp phần tăng tiếp cận với đường dây hỗ trợ trị liệu bằng cách gọi điện và nhắn tin. Tự tử có thể phòng ngừa được”, TS. BS Trần Thị Hồng Thu bày tỏ.
Tổn thương tâm lý ảnh hưởng tới 75% phụ nữ
Đồng tình với quan điểm này, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho rằng mất việc làm hoặc không có thu nhập là nguyên nhân chính gây ra bạo lực gia đình, dẫn đến những sang chấn tâm lý trong đó không thể không nhắc đến tình trạng trầm cảm gia tăng.
Theo TS Khuất Thu Hồng, điều này giải thích vì sao xung đột hôn nhân, gia đình, hành vi kiểm soát cũng như bạo lực thể chất và tinh thần xảy ra thường xuyên hơn đối với phụ nữ thuộc các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn hoặc mất thu nhập trong đại dịch Covid-19. Mâu thuẫn thường bắt nguồn từ những xung đột tài chính và cuối cùng dẫn tới các hành vi bạo lực về tâm lý và thể chất.
Vấn đề nằm ở dịch vụ và khả năng tiếp cận. Điều đáng lo ngại còn tồn tại, theo các chuyên gia, là nhận thức cộng đồng đến nay vẫn chưa hết kỳ thị với bệnh tâm thần.
“Ngay cả khi đã được thanh toán bảo hiểm, người bệnh vẫn khó tìm được các nhà trị liệu và bác sĩ tâm thần phù hợp. Sự thiệt thòi về tính ngang bằng và tiếp cận như vậy vốn đã làm ảnh hưởng đến các bệnh viện tâm thần, sau đại dịch càng trở nên bế tắc.
Hơn thế nữa, mạng lưới các bác sĩ tâm thần còn thiếu hụt, nhất là tại thời điểm sau đại dịch, khi mà hơn lúc nào hết, cộng đồng rất cần được chăm sóc về sức khỏe tâm thần”, TS. BS Trần Hồng Thu bày tỏ.
N. Huyền