Trại lợn gần 2.000 con hỏng bể xử lý chất thải, xả thải 'bức tử' nguồn nước
Chăn nuôi gần 2.000 con lợn trong khi bể biogas bị hỏng, hệ thống xử lý nước thải không cải tạo, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Suốt nhiều tháng, nước thải từ trại lợn này đổ ra khe nước rồi chảy ra sông lớn khiến người dân bức xúc.
Nước từ hồ chứa, không qua xử lý, theo mương xả trực tiếp ra môi trường. |
Người dân tại thôn Phố Tây, xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) bức xúc phản ánh việc một trang trại chăn nuôi lợn quy mô khá lớn, thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý ra khe Chi Lời rồi đổ về sông Ngàn Phố suốt nhiều tháng qua.
Thông tin từ bà Lê Thị Trang, cán bộ địa chính xã Sơn Tây cho biết, trang trại này do ông Trần Viết Hùng (trú tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) làm chủ với tổng diện tích là 5,1ha; hiện có 4 dãy chuồng nuôi lợn thịt, mỗi dãy nuôi 495 con, tổng số gần 2.000 con.
Theo ghi nhận của PV, diện tích xây dựng mỗi dãy chuồng rộng khoảng gần 1.000m2, có 1 bể biogas nhưng có dấu hiệu bị hỏng, không còn sử dụng. Bên kia đường trước cổng trang trại có một hồ rất rộng nhưng dùng để nuôi cá và cung cấp nước.
Toàn bộ nước thải từ trại lợn này được gom vào một hồ chứa cạnh bể biogas mà không qua xử lý. Sau đó thông qua mương thoát nước, chảy trực tiếp ra con suối đầu nguồn cạnh trang trại.
Nhà ở cách trại lợn khoảng 300m, ông L (xã Sơn Tây) cho biết, trước đây chưa có trại lợn thì người dân vẫn ra khe Chi Lời tắm rửa thoải mái, giờ không ai dám dùng nước khe nữa. Ngay cả trâu bò cũng không cho uống nước khe vì sợ mắc bệnh.
Nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc qua mương thoát nước đổ ra khe Chi Lời và chảy về sông Ngàn Phố. |
Trao đổi với PV, ông Phan Xuân Đức, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Sơn chia sẻ, theo quy định của huyện, bể biogas phải hoạt động và đảm bảo 1 con lợn/1m3. Sau bể biogas phải có 3 ao sinh học dùng để lắng, lọc, trước khi xả thải ra môi trường.
Chiều ngày 25/11/2021, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và chính quyền địa phương xã Sơn Tây đã tiến hành kiểm tra trang trại chăn nuôi hộ ông Trần Viết Hùng.
Biên bản buổi làm việc ghi rõ: “Bể biogas có hiện tượng bị hỏng, không hoạt động. Nước mưa ứ động trên bề mặt gây mất vệ sinh môi trường. Không có hệ thống mương thoát nước mưa xung quanh bể biogas. Ao xử lý số 1 bị quá tải, ứ đọng nhiều phân đen đặc. Khuôn viên hệ thống xử lý không được cải tạo, gây ô nhiễm môi trường. Nước thải có chỉ số coliform vượt ngưỡng cho phép 8.722/5.000....''.
Nước thải có chỉ số coliform vượt ngưỡng cho phép. |
Đoàn công tác yêu cầu chủ cơ sở: Kịp thời khắc phục, sửa chữa bể biogas; có biện pháp tách phân trước bể; Cải tạo, vệ sinh ao xử lý số 1, lót bạt chống thấm các ao xử lý (đặc biệt là ao số 1); Có biện pháp khử mùi trong hoạt động chăn nuôi; Xây dựng hệ thống mương gom nước xung quanh bể biogas. Các vấn đề này phải thực hiện xong trước ngày 30/12/2021.
UBND xã Sơn Tây có nhiệm vụ đôn đốc, giám sát chủ cơ sở khắc phục các nội dung nêu trên đúng thời gian và yêu cầu.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Sơn cho biết, sau khi xuất hết lứa lợn này, địa phương sẽ tiến hành đình chỉ và xử phạt hành chính đối với chủ trang trại; yêu cầu khắc phục xong, đảm bảo quy trình rồi mới cho phép tiếp tục hoạt động.
Dòng nước ô nhiễm đen kịt, sóng sánh. Người dân không dám cho trâu bò cho uống nước khe vì sợ mắc bệnh. |
Cơ sở chăn nuôi phải có đủ diện tích để bố trí nơi chứa, xử lý chất thải, hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; hệ thống thoát nước thải từ chuồng nuôi đến hệ thống xử lý nước thải thải phải kín, đảm bảo dễ thoát nước; hệ thống thoát nước, xử lý nước thải phải có biện pháp chống thấm, định kỳ nạo vét, không để ứ đọng, tránh phát sinh mùi hôi, ruồi, muỗi.
Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chất thải rắn chăn nuôi phải được thu gom hàng ngày, bố trí nơi lưu chứa không rò rỉ, thấm hút, chảy tràn ra xung quanh và xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; chất thải rắn trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định pháp luật thú y hiện hành.
Thường xuyên dùng các hóa chất khử trùng, tiêu độc, vôi bột để sát trùng nơi chứa chất thải rắn, xung quanh chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hướng dẫn của Cục Thú ý.
Không được phép chuyển giao, bán, cho, tặng chất thải rắn chưa xử lý cho các cá nhân, đơn vị không có chức năng xử lý. Khi chất thải rắn được mang đi xử lý bên ngoài cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo quy định về vận chuyển chất thải hiện hành.
Phải định kỳ kiểm tra chất lượng các công trình xử lý chất thải, trường hợp không đảm bảo xử lý đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định hiện hành cần nâng cấp, sửa chữa. Trong thời gian sửa chữa phải có biện pháp nhằm đảm bảo việc xử lý lượng chất thải phát sinh đúng quy định.
Hà Tĩnh: Dự án nâng cấp quốc lộ 8A 'bức tử' người dân, bụi phủ kín nhà, ô tô lù lù trước mặt sau làn bụi mù mịt
Do quá trình thi công QL8A, đoạn qua xã Sơn Tây (Hương Sơn) không thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường khiến bụi bay mù mịt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông.
Trần Hoàn