Trà Vinh: Thêm 2 doanh nghiệp được hỗ trợ vốn trong lĩnh vực nông nghiệp
Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ dừa. Ảnh minh họa |
Triển khai thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng mục tiêu của tỉnh, chọn các doanh nghiệp tiềm năng, ngày 27/11/2018, Ban Điều phối Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh (Dự án AMD Trà Vinh) tổ chức trao vốn Quỹ Hợp tác công tư (Quỹ PPP) cho 2 doanh nghiệp: Công ty TNHH Minh Tâm (ấp Tân Thành Đông, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần) và doanh nghiệp tư nhân Thành Nhân (ấp Phú Phong 1, xã Bình Phú, huyện Càng Long)
Ban Điều phối Dự án AMD Trà Vinh cho biết: Dự án AMD Trà Vinh được Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) tài trợ, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Trên cơ sở đó, Ban Điều phối Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ vốn PPP cho Công ty TNHH MTV Minh Tâm, nhằm thực hiện tiểu dự án Mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm mới từ dừa.
Tổng nguồn vốn thực hiện tiểu dự án hơn 2,530 tỷ đồng, trong đó, dự án tài trợ 0,825 tỷ đồng (chiếm 33% tổng mức đầu tư); doanh nghiệp đối ứng 1,705 tỷ đồng (chiếm 67% tổng mức đầu tư); thời gian thực hiện tiểu dự án là 12 tháng. Từ nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp sẽ mua 50 máy đập nút áo gáo dừa, cải tạo nền nhà xưởng sản xuất cơm dừa, mua 01 máy sàn đánh bóng nút áo và một số hoạt động khác. Công ty TNHH MTV Minh Tâm hiện có hơn 80 lao động, sau khi thực hiện tiểu dự án, doanh nghiệp sẽ giải quyết thêm việc làm cho khoảng 60 lao động.
Đối với doanh nghiệp tư nhân thủ công mỹ nghệ Thành Nhân, Dự án AMD Trà Vinh hỗ trợ vốn nhằm thực hiện tiểu dự án Mở rộng qui mô sản xuất, tăng cường liên kết với người dân gia công hàng thủ công mỹ nghệ. Tổng nguồn vốn là 1,712 tỷ đồng; trong đó, Dự án tài trợ 0,647 tỷ đồng, (chiếm 38% tổng mức đầu tư); doanh nghiệp đối ứng 1,065 tỷ đồng (chiếm 62% tổng mức đầu tư); thời gian thực hiện tiểu dự án là 12 tháng.
Từ nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp sẽ mua 1 xe tải 5 tấn để phục vụ vận chuyển hàng hóa (Dự án hỗ trợ 50% vốn, 50% còn lại do doanh nghiệp đối ứng) và liên kết ít nhất với 150 lao động gia công lâu dài, có việc làm ổn định với doanh nghiệp và hỗ trợ tín dụng cho ít nhất 10 đầu mối gia công để hỗ trợ vốn không tính lãi cho các lao động địa phương.
Ông Huỳnh Nghĩa Thọ, Giám đốc Dự án AMD Trà Vinh chia sẻ: Theo dự kiến, đến cuối năm 2019, Dự án AMD sẽ kết thúc. Đến nay, Ban Điều phối Dự án đã tài trợ 13 tiểu dự án, đã có 6/13 tiểu dự án thực hiện xong và đi vào hoạt động, 7/13 tiểu dự án đang trong giai đoạn triển khai thực hiện.
Trong thời gian qua, Ban Điều phối Dự án luôn nhận được sự hỗ trợ của các tư vấn là cán bộ của Sở Công thương và các doanh nghiệp. Vì vậy, các tiểu dự án đã được thông qua Hội đồng Thẩm định đầu tư vốn PPP, nhận được ý kiến “không phản đối” của Văn phòng Quốc gia IFAD Việt Nam và quyết định phê duyệt tài trợ của Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án. Các dự án đã tạo hiệu quả, liên kết mở rộng, tạo việc làm, giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Trà Vinh được thực hiện theo Hiệp định vốn vay giữa Việt Nam và Quỹ phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) ký ngày 28/3/2014, thực hiện trong vòng 6 năm, từ 28/3/2014 đến 31/3/2020.
Dự án thực hiện trên địa bàn 30 xã thuộc 7 huyện của tỉnh Trà Vinh, bao gồm các huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần, Duyên Hải, Càng Long. Tổng vốn dự án: 521 tỷ đồng, tương đương 24,832 triệu USD
Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong điều kiện môi trường thay đổi, trong đó cụ thể là nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng mục tiêu để tăng cường khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.
Dự án sẽ đem lại lợi ích cho các hộ nghèo và cận nghèo ở nông thôn không có đất hoặc không có tài sản sản xuất khác, các hộ gia đình nghèo và cận nghèo có đất hoặc ít đất hoặc có nguồn lực cho nuôi trồng thủy sản và các hộ dân tộc Khmer. Trong số đối tượng mục tiêu, Dự án sẽ ưu tiên các hộ gia đình do phụ nữ và dân tộc Khmer làm chủ. Dự án cũng sẽ đem lại lợi ích cho những người buôn bán quy mô nhỏ và vừa ở nông thôn và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuỗi giá trị.