TP.HCM: Tuyên dương những người lính tàn nhưng không phế
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lương Thị Lộc vào ngày 25/7. |
Hãy sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước
Đây là sự kiện nhằm tôn vinh những cựu chiến binh tàn nhưng không phế, bằng sức lực khối óc của mình đã vượt lên nghịch cảnh, làm giàu cho gia đình, xã hội. Đồng thời buổi lễ cũng trân trọng đóng góp của những người đã mở rộng tấm lòng để cưu mang, giúp đỡ những thương binh, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu cho biết, trong những năm qua, hệ thống Mặt trận tổ quốc cùng các đoàn thể chính trị, xã hội, các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Cụ thể, đã trao tặng hơn 3.500 căn nhà tình nghĩa, cải tạo sửa chữa hơn 1.200 căn nhà cho các gia đình chính sách, phụng dưỡng đến cuối đời 274 Mẹ Việt Nam anh hùng tại TP.HCM, 20 Mẹ tại Quảng Nam, 8 Mẹ tại Bến Tre với mức cấp dưỡng trên 2 triệu đồng/Mẹ/tháng.
Trong công tác chăm lo, hỗ trợ thương binh nặng, thành phố đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thường xuyên 94 thương binh nặng và đặc biệt nặng với mức tối thiểu từ 1 – 2 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo trợ cấp thường xuyên cho các thương binh có tỉ lệ thương tật từ 81% trở lên có hoàn cảnh khó khăn.
Bằng những việc làm thiết thực nói trên, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP đã góp phần chăm lo, ổn định cuộc sống cho các gia đình chính sách, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn của dân tộc”.
Trong khi đó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ mong muốn thời gian tới Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố sẽ cùng với các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục có những đóng góp, sáng kiến để đổi mới công tác này nhằm thể hiện lòng biết ơn với những hy sinh, mất mát của các thế hệ đi trước.
Theo bà, các tổ chức phải chăm lo để những gia đình chính sách không chỉ yên tâm về vật chất, mà còn phải an vui về tinh thần, bởi họ đã hy sinh tuổi trẻ, thân thể và chịu những hy sinh không đo đếm được để đất nước có ngày hòa bình, thống nhất hôm nay.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân cũng nhấn mạnh rằng cần tiếp tục nêu gương và nhân rộng những tấm gương thương binh vượt khó đi lên, những cá nhân, tổ chức điển hình chăm sóc thương, bệnh binh để nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu được những vất vả, gian truân mà thế hệ trước đã trải qua, từ đó rèn luyện cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả này.
Không bó tay trước số phận
Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đã được gặp gỡ, giao lưu với những cá nhân là điển hình tiêu biểu trong 110 tấm gương được tuyên dương. Đây là những người đã không lùi bước trước khó khăn, trong gian lao thử thách vẫn nêu cao tinh thần người bộ đội Cụ Hồ.
Tham gia hoạt động cách mạng từ trước 30/4/1975, sau ngày đất nước thống nhất, ông Nguyễn Phan Tâm (thương binh hạng ¾, ngụ huyện Củ Chi) tiếp tục cầm súng, đeo ba lô cùng đồng đội hành quân về phía Tây Nam. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng, ông trở về với hai bàn tay trắng.
Không chịu bó tay trước số phận và không muốn là gánh nặng cho vợ con, dù cơ thể mang nhiều thương tật ông vẫn quyết tìm công việc và lao động bằng sức lực của mình. Được sự cưu mang của người dân Củ Chi, từ một cái chòi ven đường với con heo nái sau bao tích góp, giờ dây ông đã có nhà cửa khang trang với đàn heo nái hơn 200 con, heo thịt hơn 1.000 con, các con của ông đều học hành đỗ đạt.
Trong khi đó Bác sĩ quân y Đỗ Thị Thanh Thu (81 tuổi) khiến mọi người xúc động với câu chuyện cuộc đời đầy biến cố của mình. Rời chiến trường với chứng nhận thương binh hạng ¾, bà đã phải bán hàng rong để đắp đổi qua ngày.
Chất độc da cam cũng khiến bà mất đi người con đầu lòng, người con thứ hai dù đến nay đã hơn 40 tuổi những trí óc vẫn như đứa trẻ. Để có tiền chữa bệnh cho con, bà đã bán căn nhà hơn 80m2 để chuyển sang một căn chung cư nhỏ hơn.
Dù cuộc sống còn bộn bề lo toan nhưng khi thấy mẹ một chiến sĩ biệt động thành không nơi nương tựa và vẫn quyết định đưa về phụng dưỡng cho đến ngày cụ ra đi.