TP.HCM: Trong 5 năm, 33.000 cơ sở thực phẩm bị xử phạt số tiền 110 tỷ đồng
Ngày 6/3 tại TP.HCM, Đoàn Giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm của Quốc hội đã tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 khu vực các tỉnh phía Nam.
Ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, an toàn thực phẩm là vấn đề được người dân rất quan tâm và được Quốc hội lựa chọn là giám sát chuyên đề tối cao đầu tiên của khóa XIV.
Đoàn đã đi giám sát tại 19/21 tỉnh, thành phố lựa chọn, làm việc với các bộ, ngành liên quan và nghe Chính phủ báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm.
Hiện nay, việc đánh giá mức độ an toàn thực phẩm còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến cho rằng nhiều địa phương đã tới “giới hạn đỏ”, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy cần phải làm rõ, có đánh giá đúng thực trạng an toàn thực phẩm hiện nay, những tồn tại hạn chế và đặc biệt đề ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn thời gian tới.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường, ông Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua đoàn đã tiến hành giám sát tại 19/21 tỉnh - thành được chọn thực hiện trong chuyên đề này.
Ông Tiến cũng nêu khá nhiều con số đáng chú ý, dù chương trình giám sát mới đi được non nửa hành trình. Đó là, mỗi năm Việt Nam sử dụng khá tự do trên 110 ngàn tấn thuốc kháng sinh cho chăn nuôi, thuỷ sản; hormone tăng trưởng cho cây trồng, vật nuôi còn chưa được kiểm soát chặt chẽ... gây ảnh hưởng lớn đối với chất lượng thực phẩm.
Bên cạnh đó, với 29.557 cơ sở giết mổ, hầu hết không đảm bảo an toàn thực phẩm, trừ TP.HCM là có hệ thống và quản lý tương đối chặt chẽ việc giết mổ. Kết quả giám sát cho thấy, nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ, và quản lý thị trường phân phối sản phẩm thực phẩm còn rất nhiều bất cập.
Trong giai đoạn 2011 – 2016, ngành y tế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%. Số lượt thanh tra, hậu kiểm đã tăng gấp 1,5 – 2 lần so với các năm trước.
Trong năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra đã thực hiện quyết liệt tại các địa phương. Số cơ sở bị xử lý tăng từ 17,6% năm 2015 lên 23,4% năm 2016; tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền tăng từ 50,5% năm 2015 lên 67% năm 2016; số tiền phạt trung bình một cơ sở tăng từ 3,59 triệu đồng lên 3,73 triệu đồng năm 2016, cao hơn nhiều so với các năm trước đó.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, nếu không kiểm tra được nguồn gốc xuất xứ thì chúng ta sẽ “mất kiểm soát”. Cần phải thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, bởi nếu không truy xuất được thì công tác hậu kiểm sẽ không giải quyết được vấn đề cũng như không xử phạt, xử lý tận gốc được.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, TP.HCM đã lập hơn 2.000 đoàn thanh tra hơn 283 nghìn cơ sở thực phẩm, phát hiện hơn 73,5 nghìn cơ sở vi phạm. Trong đó, hơn 33 nghìn cơ sở bị xử phạt với số tiền lên tới hơn 110 tỷ đồng, đồng thời tịch thu tiêu hủy hơn 23 nghìn tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, công tác quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như: Kinh phí đầu tư cho hoạt động đảm bảo còn thấp; nhân sự còn thiếu; điều kiện kỹ thuật, cơ sở vật chất còn hạn chế,… Trên cơ sở vướng mắc trên, TP.HCM kiến nghị Chính phủ đánh giá lại Luật An toàn thực phẩm sau 5 năm thực hiện để bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tại hội nghị, các ý kiến tham luận của các Bộ ngành cũng như địa phương đều cho rằng, việc kiểm soát an toàn thực phẩm hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo trong công tác quản lý, đồng thời hệ thống chính sách và pháp luật về an toàn thực phẩm hiện vẫn chưa sát với thực tế. Ngoài ra, cần phải phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đến các địa phương khi ở tuyến cơ sở chưa thực sự vào cuộc quyết liệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan chức năng và địa phương cần phải làm rõ chất lượng thực phẩm và vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm đã đi đôi với nhau chưa, hay còn có khoảng cách; Hệ thống pháp luật đã đủ chưa, có điểm gì vẫn xung đột; Luật được ban hành đã đi vào cuộc sống chưa; tính khả thi và bảo đảm tính hội nhập; quyền lợi của người sản xuất và quyền lợi của người tiêu dùng... đồng thời đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu để báo cáo Quốc hội.