TP.HCM tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Nhiều doanh nghiệp thành lập mới hướng đến thị trường bất động sản. |
Báo cáo tại đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Sử Ngọc Anh cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,89% so cùng kỳ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng trưởng kinh tế từng bước giảm phụ thuộc vào vốn đầu tư tăng yếu tố khoa học kỹ thuật.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp được duy trì ổn định, đầu tư đổi mới thiết bị, cải tiến sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. 4 ngành công nghiệp trọng yếu có mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành, trong đó ngành điện tử - công nghệ thông tin phát huy được thế mạnh, mở rộng sản xuất tăng năng lực có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Lãnh đạo Thành phố đã làm việc với hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội Doanh nghiệp cơ khí - điện Thành phố Hồ Chí Minh. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp kiến nghị Thành phố cần tăng cường đào tạo nguồn lực cho các doanh nghiệp; bố trí ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí để giúp doanh nghiệp đầu tư các hệ thống quản trị mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Ngoài ra, tình hình đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tiếp tục có kết quả khả quan. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tổng vốn đăng ký kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ, tập trung vào những lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoa học công nghệ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng 50% so với cùng kỳ; trong đó hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước tiếp tục là xu hướng hiện nay của dòng vốn FDI, chiếm tỷ trọng gần 80% tổng vốn đầu tư.
Hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến, kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hiệu quả hợp tác quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hợp tác quốc tế trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Để trợ giúp các doanh nghiệp, thành phố sẽ tiến hành khảo sát thị trường; tăng cường cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu, thông tin đầu tư thông qua Cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư (MIS) và tổ chức các khóa huấn luyện – đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xuất khẩu.
Về các giải pháp trong 3 tháng cuối năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát, tìm kiếm phát triển thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường nội địa, kết nối doanh nghiệp (B2B) với các đối tác, nhà nhập khẩu tiềm năng, tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước… Đồng thời chủ động mời gọi các nhà đầu tư tại các nước.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến mời gọi đầu tư vào các dự án thuộc 7 chương trình đột phá, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 lĩnh vực dịch vụ ưu tiên của thành phố và bổ sung các ngành, lĩnh vực khác thực hiện theo chủ trương, chính sách của thành phố. Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường để tập trung kêu gọi đầu tư.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành liên quan phải tập trung làm việc để công bố sản phẩm chủ lực của thành phố trước ngày 20/10. Theo ông, trên cơ sở các nhóm sản phẩm chủ lực, các sản phẩm chủ lực cụ thể, các ngành hình thành chuỗi liên kết từng ngành hàng, từng sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của thành phố khi gia nhập thị trường quốc tế.
Ông khẳng định thành phố sẽ tập trung hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện về thị trường, chính sách đất đai, khoa học công nghệ, vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quy mô lớn gắn kết với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, tới đây thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo về xây dựng quy hoạch kinh tế - xã hội. Do vậy các quận, huyện, sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ để triển khai quy hoạch này nhằm tạo sự gắn kết.