TP.HCM: Phạt người vứt rác bừa bãi hiện nay không khả thi
![]() |
Rác vương vãi tại các điểm vui chơi sau mỗi lần tổ chức lễ hội tại TP.HCM. |
“Vô vàn” khó khăn
TP cho biết Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định 40 hành vi vi phạm. Tuy nhiên theo TP có những hành vi rất khó thực hiện việc xử phạt, cụ thể:
Vứt tàn, bỏ đầu thuốc lá không đúng nơi quy định; vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hoặc hệ thống thoát nước, tại các chung cư, khu thương mại, nơi công cộng…
Lý do TP đưa ra là vì những hành vi trên diễn ra nhanh, tức thời nên rất khó phát hiện. Ngoài ra mức phạt tiền cao so với thu nhập bình quân, đồng thời việc quản lý thu nhập không có tài khoản cá nhân nên việc xử phạt và nộp tiền phạt khó khăn.
Cũng theo TP lực lượng kiểm tra tại địa phương còn mỏng, không có cán bộ chuyên trách và xử lý tại hiện trường.
Đặc biệt TP cho rằng do mức phạt tiền của hành vi vứt rác thải được quy định tại Nghị định trên thuộc thẩm quyền của UBND quận/huyện nên từ khi phát hiện đến lúc lập biên bản mất nhiều thời gian và phức tạp.
“Nếu không có điều chỉnh đồng bộ về mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt tại Nghị định 155 thì việc xử phạt đối với các hành vi này trong thực tế là không khả thi” – báo cáo nêu.
Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm TP còn phát hiện một số vướng mắc khác như:
Về xử lý vi phạm ô nhiễm tại các công trình nhà chung cư, TP cho rằng theo quy định các đối tượng có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý. Tuy nhiên trường hợp chủ đầu tư bàn giao hệ thống xử lý nước thải cho ban quản trị thì không xác định được đối tượng vi phạm để lập biên bản.
Đối với công tác cưỡng chế, theo TP việc này hiện chỉ tập trung vào tài chính như trừ tiền từ tài khoản ngân hàng và kê biên tài sản, nên các đối tượng vi phạm thường nộp tiền mà không thực hiện các biện pháp khắc phục. Vì lý do này nên việc xử lý vi phạm thường kéo dài.
TP còn chỉ ra rằng trong Nghị định 155 không có quy định nào xử phạt hành chính đối với hành vi đổ bùn thải nạo vét từ công trình xây dựng.
Từ các hạn chế trên, TP khẳng định sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều chỉnh cho phù hợp.
![]() |
Một xe rác tự chế của người dân. |
Rất nhiền vấn đề từ thu gom rác tự phát
TP nhận định rằng, phần lớn người dân vẫn có thói quen bỏ rác thải trước cửa nhà và trên vỉa hè, thậm chí không ký hợp đồng thu gom mà vứt bừa ra kênh rạch.
Lực lượng thu gom dân lập còn hoạt động theo tính tự phát, cá nhân nhỏ lẻ với ý thức chưa cao dẫn đến đôi khi không hợp tác với chính quyền trong thực hiện chính sách quản lý như thu không đúng thời gian, tần suất dẫn đến tồn đọng trên đường phố.
Trang thiết bị của lực lượng này cũng không đồng bộ, sử dụng các phương tiện vận chuyển thô sơ, cơi nới nên làm rò rỉ nước, rơi vãi rác thải gây mất mĩ quan.
Việc phân chia của lực lượng này cũng không đồng đều dẫn đến tình trạng “da beo”, làm ảnh hưởng chung đến cả khu vực.
Trong khi đó công tác quản lý nhà nước tại các quận huyện chưa được thực hiện tốt, việc xử lý vi phạm gần như không có và thiếu quy chế phối hợp giữa các bên.
Để giải quyết các tồn tại nêu trên TP đã chỉ đạo 24 quận/huyện chấn chỉnh lại hoạt động này. Ngoài ra Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn đã được giao phải nghiên cứu các mẫu phương tiện thu gom rác tại nguồn để thay thế cho các xe không đảm bảo hiện nay.
Tới đây TP cho biết sẽ ban hành quy chế hỗ trợ nhằm chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập sang tổ chức hoạt động có tư cách pháp nhân để quản lý hiệu quả hơn.