TP.HCM muốn tăng phí đăng ký ô tô lên hơn 5 lần
Tin từ UBND TP.HCM cho biết, nơi này vừa có văn bản trình HĐND TP đề nghị xem xét thông qua phương án thu lệ phí cấp mới (đăng ký lần đầu tại Việt Nam) giấy đăng ký và biển số (đăng ký xe) đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại TP.HCM.
Theo đó xe ô tô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả chỗ lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách được đề xuất tăng từ 2 triệu hiện nay lên 11 triệu đồng. Trong khi đó ô tô (trừ ô tô con dưới 10 chỗ ngồi không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách) vẫn giữ nguyên mức 150 ngàn đồng.
Bên cạnh đó các phương tiện khác như sơ mi rơ moóc đăng ký rời, xe máy (tùy theo các mức giá mua) cũng tăng từ 50 ngàn đến 1 triệu đồng. Mức đề xuất tăng đối với các phương tiện được nêu cụ thể trong bảng dưới đây:
Giải trình về đề xuất này, UBND TP.HCM cho rằng số lượng ô tô đăng ký mới chỉ chiếm khoảng 10% tổng số phương tiện đăng ký (kèm theo đó là 10% số tiền thu về cho ngân sách). Cũng theo nơi này thì mức phí đề xuất trên vẫn nằm trong khung được quy định tại thông tư 127 của Bộ Tài chính.
Thông tư 127 là thông tư quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong đó quy định mức phí đăng ký cấp mới đối với xe ô tô dưới 10 chỗ không kinh doanh vận tải hành khách là 20 triệu đồng (đối khu vực I là Hà Nội và TP.HCM). Đối với xe máy trị giá dưới 15 triệu là từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng; xe trị giá từ 15 đến 40 triệu là từ 1 đến 2 triệu đồng); xe trị giá trên 40 triệu là từ 2 đến 4 triệu đồng.
Ngoài ra UBND TP.HCM khẳng định mức phí đề xuất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân, vẫn đảm bảo được nguồn thu cho ngân sách nhưng cũng thể hiện sự khuyến khích đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Dự kiến đề xuất này sẽ được trình HĐND trong kỳ họp bắt đầu từ ngày 28/7 tới. Nếu được thông qua, mức phí này sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1/9/2015.
Tăng phí được coi là một trong những biện pháp nhằm hạn chế xe cá nhân. Trong ảnh là các loại xe chen nhau trong một lần kẹt tại ngã tư Thủ Đức. |
Trước đó vào đầu tháng 3/2015 Công an TP.HCM đã đưa ra dự thảo phương án thu phí với nội dung tương tự như trên để trình UBND TP.
Trong văn bản của mình Công an TP cho rằng ô tô dưới 10 chỗ ngồi không kinh doanh vận tải hành khách (được đề xuất tăng hơn 5 lần) đăng ký mới chỉ chiếm khoảng 4% trên tổng số nên không bị tác động nhiều.
Liên quan đến việc này, Hà Nội đã quyết định áp mức phí 20 triệu đồng đối với xe ô tô con dưới 10 chỗ ngồi (kể cả chỗ lái xe) trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách từ năm 2011.
Công an TP. HCM nhận định nếu áp mức phí như Hà Nội thì người dân sẽ phản ứng nên “cần có lộ trình”, mặt khác sẽ nảy sinh hiện tượng người dân chuyển đăng ký tại các tỉnh sau đó sang tên để tiết kiệm chi phí.