TP.HCM học tập Mỹ trong quản lý truy xuất nguồn gốc thịt heo
Liên quan đến quá trình triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP.HCM, tại cuộc họp báo vào sáng 18/10, ông Nguyễn Ngọc Hoà, Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố cho biết, Ban quản lý đề án đang nghiên cứu, học tập cách làm của Mỹ trong chương trình SIMP.
Theo ông Hoà, kể từ ngày 1/1/2018, để quản lý các hoạt động khai thác hải sản trái phép và gian lận hải sản, Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng chương trình giám sát hải sản nhập khẩu từ các quốc gia khác vào nước này, trong đó có Việt Nam.
Lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ nghiên cứu, học hỏi cách làm của chương trình giám sát hải sản nhập khẩu của Mỹ để áp dụng cho truy xuất nguồn gốc thịt heo. |
Theo đó, các nhà nhập khẩu hải sản vào Mỹ phải có những dữ liệu cần thiết về sản phẩm như: Tên và cờ của tàu đánh cá; giấy phép đánh cá; mã nhận dạng tàu; các loại ngư cụ được sử dụng; tên cơ sở nuôi hải sản… Nếu hải sản nhập khẩu vào Mỹ không có đầy đủ thông tin trên sẽ bị từ chối thông quan.
Trường hợp hàng được thông quan nhưng nghi ngờ gian lận thì Cục quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) sẽ thanh kiểm tra.
Chương trình này chỉ áp dụng cho các nhà nhập khẩu hải sản vào Mỹ nên các doanh nghiệp xuất khẩu hải sản sang nước này phải tuân thủ. Bởi nếu không sẽ bị các nhà nhập khẩu từ chối mua hàng để tránh bị NOAA xử phạt trong trường hợp phát hiện hải sản nhập khẩu không rõ nguồn gốc.
Ông Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng, chương trình SIMP của Mỹ có điểm đương đồng với đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo mà TP.HCM đang triển khai. Các điều kiện nguồn gốc sản phẩm của hai chương trình khá giống nhau.
“Chúng tôi liên tưởng và sẽ nghiên cứu, học hỏi cách quản lý hải sản nhập khẩu của Mỹ để áp dụng vào chương trình truy xuất nguồn gốc thịt heo. Cái gì hay thì mình học, nhưng tuỳ vào điều kiện mỗi nơi mà áp dụng cho phù hợp. Trước mắt chúng tôi sẽ vận động tiểu thương ở các chợ không mua thịt không rõ nguồn gốc”, ông Hoà cho hay.