TP.HCM đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm
Các chuyên gia lấy mẫu để lưu an toàn thực phẩm |
Chặt chẽ mục tiêu xây sạch, chống bẩn
Theo PGS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sau 3 năm Ban quản lý ATTP TP.HCM đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ sau gần 03 năm thí điểm. Trong đó, Ban Quản lý đặc biệt chú trọng 02 nhiệm vụ chính là Xây thực phẩm sạch - Chống thực phẩm bẩn.
Theo đó, xây thực phẩm sạch luôn là nhiệm vụ được Ban Quản lý đặt lên hàng đầu, điều đó đã thể hiện trong 3 năm qua Ban Quản lý liên tiếp triển khai các Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” và Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”.
Tính đến nay, Ban Quản lý Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” đã thẩm định, kiểm tra và cấp 432 Giấy chứng nhận cho 293 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi “chuỗi thực phẩm an toàn”. Bên cạnh đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng xây dựng kế hoạch triển khai lấy mẫu giám sát định kỳ và đột xuất để phục vụ cho công tác quản lý. Kết quả là, số lượng mẫu lấy tăng và tỷ lệ mẫu không đạt giảm, tình hình cho thấy an toàn thực phẩm đã từng bước được cải thiện.
Song song với xây thực phẩm sạch, việc chống thực phẩm bẩn cũng được Ban tiến hành một cách tích cực thông qua thanh kiểm tra. Hiện Ban đã xây dựng được 10 đội quản lý an toàn thực phẩm gồm 2 đội quản lý 2 chợ đầu mối (Bình Điền và Hóc Môn) và 8 Đội quản lý ở 24 quận, huyện, đây là cánh tay nối dài của Ban Quản lý trong việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Kết quả từ tháng 3/2017 nhưng tập trung thanh tra nhiều nhất bắt đầu từ 3 tháng cuối năm 2017 và kéo dài cho đến nay, số lượng cơ sở được thanh kiểm tra tăng đồng thời số tiền xử phạt trung bình tăng so với trước và nằm ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước, có thể đánh giá do tác động của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng phần nào thể hiện sự nghiêm khắc trong thực thi pháp luật.
Ngoài ra, tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn trước khi thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (2014-2016) và sau khi thành lập Ban (2017-2019) cho thấy số vụ ngộ độc trên địa bàn thành phố, trong trường học, trong Khu Chế xuất- Khu Công nghiệp và số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc có xu hướng giảm đồng thời không có trường hợp tử vong.
Các kết quả trên đã phần nào cho thấy tình hình mất an toàn thực phẩm đã được cải thiện rõ rệt, đây là kết quả của việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thông qua việc thực hiện đồng bộ các hoạt động nâng cao nhận thức, hoàn thiện quy trình, tăng cường thanh kiểm tra, thống nhất trong xử lý thông tin và đồng bộ trong phối hợp giữa các sở ngành.
Thí điểm hiệu quả
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM là một chủ trương rất đúng đắn và phù hợp. Từ thực tiễn thí điểm của TP.HCM có thể khẳng định, mô hình này thật sự có hiệu quả. Thứ nhất là giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành và các đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác an toàn thực phẩm. Thứ hai là công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm nhiều hơn. Vị trí và vai trò của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng cao hơn. Thứ ba phát huy được sức mạnh khi tập hợp thực lượng, thống nhất đầu mối trong xử lý công việc. Thứ tư hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm được nâng cao thông qua sự sáng tạo trong sự vận dụng mô hình Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện và chợ đầu mối.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả bước đầu qua 3 năm thí điểm, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn của UBND thành phố - có chức năng tham mưu cho UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; Cho phép thành phố thành lập mạng lưới các Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện chợ đầu mối trực thuộc Sở An toàn thực phẩm có chức năng tham mưu tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.