TP.HCM: Chống ngập ì ạch vì thủ tục
TP.HCM: Chống ngập ì ạch vì thủ tục
Ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM cho biết, trong nhiều nguyên nhân chậm tiến độ của các công trình, dự án chống ngập, có nguyên nhân về thủ tục, trình tự trong thẩm định, phê duyệt và cấp phép thi công.
![]() |
Đỉnh triều gây ra tình trạng ngập nước tại TP.HCM cao nhất có thể lên đến 1,59m |
Nhiều dự án cống kiểm soát triều chưa được giao kế hoạch vốn năm 2012 để thực hiện. Cụ thể như dự án xây dựng cống kiểm soát triều sông Kinh, Tân Thuận, sông Phú Xuân… Các dự án xây dựng đê bao chống ngập thì đang trong giai đoạn chuyển hồ sơ trình UBND TP chấp nhận chủ trương để thực hiện các bước tiếp theo.
Chậm tiến độ phải kể đến tuyến đê bao bờ tả sông Sài Gòn từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, đã được Sở NN&PTNT phê duyệt từ tháng 7/2011, đến nay vẫn chưa được giao kế hoạch vốn. Tương tự, dự án xây dựng tuyến đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn từ Vàm Thuận đến sông Kinh cũng còn đang vướng thủ tục cấp phép tại Sở KH&ĐT.
Dự án nạo vét kênh, rạch thì đang vướng công tác giải tỏa hộ dân, nhiều tuyến kênh phải tạm ngưng thi công vì chưa được giải phóng mặt bằng. Đơn cử, việc nạo vét kênh Tàu Hủ - Bến Nghé gặp khó khăn do công tác giải tỏa hộ dân trong phạm vi bãi đổ bùn Đa Phước (thuộc huyện Bình Chánh) chưa thực hiện xong; Nạo vét kênh Ba Bò mới chỉ đạt 35% và đang vướng 3 hộ dân chưa giải phóng mặt bằng, phải ngừng thi công; Cải tạo rạch Ông Búp (quận Bình Tân) đang trong giai đoạn xác định ranh đền bù giải tỏa. Thời gian dự kiến giải phóng xong mặt bằng trong vòng 48 tháng tới.
Bên cạnh đó, theo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (SCFC), các tuyến đê bao dài, nằm trên nhiều quận, huyện khác nhau do nhiều cơ quan khác nhau quản lý, khiến việc lập hồ sơ xin cấp phép thi công gặp nhiều khó khăn, từ đó làm chậm tiến độ cấp phép.
Ngoài ra, việc xác định mép bờ cao, xác định hàng lang bảo vệ sông, kênh, rạch chưa được thực hiện, dẫn đến thiếu cơ sở để xử lý các trường hợp lấn chiếm, san lấp kênh rạch trái phép, làm giảm năng lực thoát nước và tiêu nước.
![]() |
Nhiều dự án nạo vét kênh, rạch đang vướng giải phóng mặt bằng |
“Việc xác định mép bờ cao giao cho Sở GTVT TP.HCM triển khai, nhưng Sở này lại giao ngược lại cho SCFC làm, làm xong trình Sở thông qua. Cứ thế, cho đến nay đã gần 6 năm mà vẫn chưa hoàn tất phần việc này”, ông Thảo ngao ngán.
Về phía Sở GTVT TP.HCM, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở cho rằng, Sở GTVT là cơ quan hành chính sự nghiệp nên không có quyền làm chủ đầu tư. Trả lời việc xác định mép bờ cao, Sở GTVT đã gửi hai văn bản đến UBND TP.HCM, kiến nghị xem xét giao SCFC thực hiện.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Thảo cho rằng, không nên tiếp tục xem nặng vấn đề kỹ thuật trong việc xác định mép bờ cao. Bờ sông thường xuyên bị bồi đắp hoặc sạt lở cho nên chỉ nên tính tương đối. Từ đó, lấy bản đồ mới nhất của Sở TN&MT TP.HCM để xác định. Cứ như thế, chỉ cần nửa năm là tiến hành xong.
Được biết, năm 2012, TP.HCM đặt ra mục tiêu xóa 10/31 điểm ngập và kiểm soát 39 điểm ngập đã được xóa, hạn chế tối đa tình trạng ngập trở lại và thêm điểm ngập mới.
Duy Nguyên