Tổng Thư ký ASEAN: Hiệp định RCEP dự kiến được ký kết vào cuối năm 2020
Theo Tân Hoa Xã, đây là phát biểu của Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM hẹp) lần thứ 26 diễn ra ở thành phố Đà Nẵng hôm 11/3.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tếASEANhẹp (AEM hẹp) lần thứ 26diễn ra ở thành phố Đà Nẵng hôm 11/3. (Ảnh: AP) |
Trong cuộc họp được Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì, các Bộ trưởng ASEAN đã cùng thảo luận về những kế hoạch và định hướng cho các nước thành viên nhằm đi tới quá trình đàm phán cuối cùng về RCEP và cam kết các bên ký kết thỏa thuận vào cuối năm nay.
AEM hẹp lần thứ 26 là hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng phụ trách kinh tế đầu tiên trong năm, là dịp quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN trao đổi, thống nhất định hướng lớn và các ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN năm 2020, hướng tới hoàn thành Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025.
“Trong số các thành viên RCEP, Ấn Độ đã đạt được thỏa thuận về việc mở cửa thị trường với các nước đối tác, nhưng vẫn còn một số vấn đề nội bộ cần phải thảo luận thêm”, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN cần thảo luận và đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng trong nội bộ ngay tại cuộc họp hôm 11/3.
Sau chương trình thảo luận, các Bộ trưởng ASEAN kỳ vọng văn bản RCEP sẽ được hoàn thiện vào tháng Năm tới và các bên sẽ ký kết hiệp định vào cuối năm nay.
Theo ông Lim, việc ký kết RCEP là một mốc quan trọng và các nhà lãnh đạo ASEAN đã đặt ra mục tiêu ký kết hiệp định này trong năm 2020.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước thành viên ASEAN với 6 đối tác FTA của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Mục tiêu của hiệp định RCEP là nhằm mở rộng và tăng cường chuỗi giá trị lợi nhuận kinh doanh đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như đảm bảo lợi ích của người lao động, nhà sản xuất và khách hàng.
Một khi chính thức được ký kết, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy viễn cảnh tăng trưởng trong tương lai của khu vực và đem lại đóng góp tích cực đối với nền kinh tế thế giới, cũng như đóng vai trò là một trụ cột hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế khu vực.