“Tôi vẫn trăn trở vì 60 triệu dân chưa được dùng Internet”
Ông được giới truyền thông bầu chọn là nhân vật số 1 có ảnh hưởng lớn đến Internet Việt Nam vì những đóng góp cho việc sớm mở Internet ở Việt Nam. Sau 15 năm kể từ khi Internet mở cửa, ông nhận thấy Internet hiện nay đã có sự phát triển như thế nào?
Sau 15 năm, tôi thấy Internet Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với một tốc độ mà khi chúng tôi mở cửa Internet năm 1997 không thể hình dung được sẽ phát triển nhanh đến như vậy.
Sự phát triển này thể hiện về mặt công nghệ khi Việt Nam có đầy đủ các công nghệ trên thế giới hiện nay như 3G, băng rộng, di động, vệ tinh, cáp quang biển ...Thời gian đầu, lúc mới mở Internet, tôi rất ngại cổng Internet đi quốc tế bị nghẽn nhưng sau này hạ tầng chúng ta đã theo kịp và đủ dung lượng cho Internet phát triển.
Hiện giá cước dịch vụ Internet của Việt Nam cũng ngang bằng, thậm chí rẻ hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Vì thế, mật độ sử dụng Internet có tốc độ tăng trường khá nhanh.
Mặc dù Internet giúp đỡ rất nhiều cho Chính phủ điện tử, họp trực tuyến nhưng không ít địa phương giấy tờ, họp hành còn rất nhiều nên sắp tới phải hạn chế bớt và tăng cường làm việc thông qua Internet nhiều hơn để giảm đi lại, nâng cao năng suất lao động. Việc đó giúp tận dụng được sức mạnh của băng rộng Internet khi hạ tầng viễn thông của Việt Nam hiện đã rất tốt.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, một số ngành hội nhập quốc tế bắt buộc phải sử dụng Internet như các ngành hàng không, ngân hàng hay một số tổ chức nước ngoài đã sử dụng rất tốt mạng Internet để hoạt động giao dịch. Nhiều cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng bắt đầu hạn chế giấy tờ mà thay đó là văn bản điện tử và họp qua mạng.
Tiến sĩ Mai Liêm Trực thường xuyên lướt net trên iPad vào mỗi buổi sáng. |
Tôi vẫn còn 2 điều băn khoăn sau 15 năm Internet phát triển. Đầu tiên, đó là dù Internet đã giúp cuộc sống tốt hơn và góp phần nâng cao dân trí nhưng vẫn còn gần 60 triệu người dân Việt Nam chưa được sử dụng Internet. Mặc dù phụ thuộc vào nhiều yếu tố để đạt được việc đó nhưng đây là điều tôi rất trăn trở bởi vì những người không được tiếp cận Internet phải chịu thiệt thòi rất lớn. Do đó, đứng về trách nhiệm với xã hội, nhà nước cũng như các doanh nghiệp phải làm sao để gần 60 triệu người dân đó được truy cập Internet.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của Internet băng rộng cố định và di động, những ứng dụng băng rộng đã giúp cho cuộc sống người dân rất nhiều nhưng tôi nhận thấy ứng dụng CNTT, Internet chưa phát huy được hết tác dụng của Internet cho mọi thành phần của xã hội. Ví dụ như ở các trường học, dù đã có cơ sở hạ tầng băng rộng tốt nhưng vai trò của Internet để giúp cho việc giảng dạy của người thầy và học tập của học sinh vẫn chưa được phát huy.
Việt Nam đã có bước phát triển rất dài về Internet, vậy bức tranh thị trường Internet trong 10 năm tới sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?
Dù rất khó hình dung nhưng 10 năm tới, cùng với sự phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội, chính sách khuyến khích, chúng ta phải làm sao để 60 - 70% người dân được sử dụng Internet hay thậm chí nhiều hơn. Tiến tới đưa việc truy cập Internet sẽ trở thành một quyền tối thiểu của con người như quyền ăn, học hành, vui chơi giải trí... Ở lĩnh vực công nghiệp nội dung, các nhà cung cấp dịch vụ phải tạo ra các ứng dụng, nội dung thiết thực cho người dân bởi vì chỉ khi nào người dân hay doanh nghiệp cảm thấy có lợi cho bản thân mình thì họ mới sử dụng. 10 - 15 năm tới, Internet và CNTT chắc chắn sẽ làm thay đổi rất nhiều hoạt động của toàn xã hội, nâng cao năng suất của người lao động.
Chúng ta cần nâng cao hiệu quả sử dụng của Internet như việc giúp người thầy giạy tốt hơn, thay đổi hình thức học tập theo kiểu “thầy đọc - trò chép” sang hình thức thầy tập trung đào tạo phương pháp và phát hiện nhân tài. Người thầy không phải lên lớp để truyền thụ kiến thức như hiện nay mà việc đó được thay bằng kho dữ liệu thông tin; người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn đạo đức, tư cách, cách tiếp cận vấn đề... cho học sinh, sinh viên. Sách giáo khoa sẽ được cá thể hóa để phù hợp với năng khiếu của từng người và giúp họ trưởng thành hơn.
Chúng ta cũng phải thay đổi làm sao để học sinh tiểu học không phải mang cặp sách nặng trĩu đến trường hàng ngày, mà thay vào đó là sách điện tử và máy tính bảng. Tôi cho rằng, trong nhiều lĩnh vực Việt Nam có thể thua kém các nước khác như: cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, GDP... nhưng xét về năng lực của giới trẻ, khi có một máy tính và một đường kết nối Internet thì có thể hoàn toàn bình đẳng về cơ hội với bất cứ một kỹ sư nào ở các nước khác. Các kỹ sư Việt Nam dù ngồi ở Hà Nội nhưng năng suất lao động có thể không thua kém bất cứ kỹ sư ở nước khác. Chúng ta phải làm sao để Việt Nam trở thành nước mạnh bằng CNTT - Internet chứ không phải trở thành nước mạnh về CNTT - Internet. Bởi vì, nước mạnh về CNTT- Internet chỉ chứng tỏ nước đó có hạ tầng băng rộng rộng khắp, nộp ngân sách nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả đối với xã hội.
Theo ông, Việt Nam cần có những định hướng như thế nào để tạo điều kiện cho Internet phát triển trong thời gian tới?
Về chính sách quản lý trong thời gian tới, đối với công nghệ, dù hạ tầng hiện nay đã rất tốt nhưng Việt Nam vẫn phải cập nhật các công nghệ mới của thế giới và tạo điều kiện để việc truy cập Internet nhanh hơn, rẻ hơn, thuận lợi hơn cho người sử dụng. Những quan điểm cho rằng phải để cho "hòa vốn" mạng 3G thì mới sử dụng công nghệ 4G là không hợp lý vì đó là việc của doanh nghiệp chứ không phải của cơ quan quản lý và làm cản trở quyền được tiếp cận công nghệ cao của người sử dụng. Chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, giá rẻ hơn và băng thông rộng hơn.
Khi Internet càng phát triển thì kéo theo đó là vấn đề an toàn an ninh thông tin, việc phát triển văn hóa, hạn chế tiêu cực trên Internet phải được chú trọng. Tuy nhiên, không phải vì nguy cơ đó mà chúng ta lại hạn chế sự phát triển của Internet.
Ngoài hạ tầng băng rộng, ông đánh giá như thế nào về việc phát triển nội dung trên nền băng rộng?
Hạ tầng Internet và thiết bị đầu cuối ở Việt Nam phát triển nhưng công nghiệp nội dung trên mạng băng rộng lại chưa có sự phát triển tương xứng. Ví dụ như cải cách giáo dục, dù đã có những đơn vị sản xuất, kinh doanh sách điện tử song sản phẩm này chưa được đến tận các trường.
Ngành công nghiệp nội dung có rất nhiều chuyên đề khác nhau như thể thao, giải trí, kinh doanh, học tập... Việc phát triển nội dung sẽ song hành cùng với đổi mới, cải cách kinh tế, hành hính, chính trị, xã hội. Chẳng hạn như nội dung cho trường học, làm sao để có kho dữ liệu nội dung điện tử chung và truy cập miễn phí thay vì phải tìm kiếm trên mạng rất khó khăn; hay việc quản lý dữ liệu dân cư chung để các bộ, ban, ngành cùng truy cập...
Hàng ngày, ông dành bao nhiêu thời gian cho Internet và Internet đã giúp thay đổi cuộc sống gia đình ông như thế nào?
Mỗi sáng khi tỉnh dậy, việc đầu tiên của tôi là cầm iPad lướt mạng để check mail, đọc thông tin... Tôi thường dành 3 tiếng để online mỗi ngày. Năm ngoái, vợ tôi phải trải qua một cuộc đại phẫu. Nếu như không liên lạc được với nhau qua facetime thì con cháu ở nước ngoài đã phải lục tục kéo nhau về rất tốn thời gian, công sức, tiền bạc... Có thể nói, Internet đã nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi con người chúng ta.
Xin cảm ơn ông!
Thế Khiêm