Tội phạm núp bóng công ty “ma” để rửa tiền!
Ảnh: Tuổi trẻ |
Các công ty này có tư cách pháp nhân rõ ràng và được lập ra rất dễ dàng. Theo điều tra của Thượng viện Mỹ, mỗi năm ở Mỹ có hai triệu công ty vỏ bọc được thành lập. Còn tại Anh, vào cuối năm 2014, thông tin về 19 công ty lớn bị điều tra vì nghi vấn có liên quan đến việc hợp pháp hóa 20 tỷ USD "tiền bẩn" đang gây rúng động nước Anh. Nhiều người cho rằng, do kẽ hở của pháp luật và việc thành lập công ty rất dễ dàng nênAnh đã trở thành nước hấp dẫn đối với tội phạm rửa tiền.
Đặc điểm của những công ty “ma” này là nó được tồn tại thật vì nó cũng có văn phòng và nhân làm việc song đó chỉ công ty trên giấy với một cái tên người đại diện, không công bố các số liệu nhằm tránh cho người ngoài biết họ làm gì và sở hữu gì, họ hoạt động ở đâu, ai điều hành họ.
Các công ty vỏ bọc hoàn toàn hợp pháp và thường được sử dụng khi sáp nhập, chuyển giao tài sản trong những giao dịch phức tạp hoặc để đứng ra chịu trách nhiệm trước các vụ kiện liên quan đến chính phủ, rửa tiền hay chống tham nhũng. Tuy nhiên, các công ty dạng này cũng thường được dùng cho mục đích sai trái như trốn thuế, rửa tiền hay khủng bố.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2011 đã chỉ ra rằng 817 trường hợp tham nhũng giữa những năm 1980-2010 hầu hết đều dùng hình thức “công ty ma” như là một công cụ cơ bản.
Do việc thành lập công ty ở những nước này khá dễ, các doanh nghiệp có thể ra đời mà không cần tên người nắm cổ phần. Đơn cử như ở Mỹ, luật thành lập công ty là do bang quy định, theo đó, các doanh nghiệp không bị chi phối bởi luật chống rửa tiền và cũng không bị yêu cầu nộp các bản báo cáo về những hoạt động đáng ngờ của mình.
Ở Việt Nam, hiện nay nhiều địa phương cũng đã xuất hiện các “công ty ma”. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc xuất hiện các “công ty ma” tại một số địa phương trong cả nước nhằm lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm đoạt ngân sách của nhà nước thông qua việc nhận tiền hoàn thuế GTGT, gây thất thu NSNN; tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).
Để đối phó với tình hình này, cùng với các bộ ngành chức năng, trong chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chiếm đoạt ngân sách của nhà nước thông qua việc nhận tiền hoàn thuế GTGT. Trong đó, các công việcsửa đổi, hoàn thiện chính sách, tăng cường quản lý thuế, đẩy mạnh công tác phối hợp với cơ quan liên quan đã được Bộ Tài chính đẩy mạnh.
Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế trao đổi, tiếp nhận thông tin về giao dịch qua ngân hàng của một số doanh nghiệp có dấu hiệu đáng ngờ từ cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước (Cục Phòng chống rửa tiền) phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phát hiện doanh nghiệp có hành vi gian lận về thuế.